Skip to main content
Ban biên tập | 30 August 2023

Theo số liệu thống kê, ở khu vực miền Nam hiện nay cứ 100 người đồng giới nam thì có tới 15 người nhiễm HIV. Tuy nhiên, 70% người nhiễm HIV không còn khả năng lây nhiễm HIV vì lượng virus trong máu rất thấp, không có nguy cơ lây nhiễm HIV.

cc

ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay nguy cơ lây nhiễm HIV trong giới trẻ, tuổi từ 16-29, nhất là các khu công nghiệp là rất lớn. Ảnh: Thùy Chi

Thông tin trên được đưa ra tại "Hội thảo phổ biến hướng dẫn triển khai phòng, chống HIV/AIDS phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động" do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tổ chức ngày 28/8, tại TPHCM.

Hội thảo nhằm tập trung phổ biến hướng dẫn cách phòng, chống HIV/AIDS giúp các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân, người lao động nói riêng và trong xã hội nói chung và giúp các đơn vị và doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả.

Kiến thức phòng, chống HIV trong nhóm công nhân lao động vẫn còn hạn chế

ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay nguy cơ lây nhiễm HIV trong giới trẻ, tuổi từ 16-29, nhất là các khu công nghiệp là rất lớn. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp nhiễm HIV, thậm chí nhiều người đến giai đoạn AIDS mới biết; điều đáng buồn là họ không có đủ kiến thức về HIV dẫn đến sợ hãi…

Bên cạnh đó, cộng đồng nhiễm HIV nhiều nhất hiện nay là người quan hệ tình dục đồng giới. Hiện không có con số cụ thể của quốc gia nào để ước tính được tỉ lệ người quan hệ tình dục đồng giới trong cộng đồng. Nhưng các báo cáo nghiên cứu tại nhiều quốc gia, nhiều tỉnh ở Việt Nam cho thấy khoảng 3,5% dân số thuộc cộng đồng đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới, lưỡng tính (LGBT). Đặc biệt, ở khu vực miền Nam cứ 100 người đồng giới nam thì có tới 15 người nhiễm HIV. Nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời thì nguy cơ đạt tối đa 30% là rất nhanh.

Thực tế cho thấy rằng, 70% người nhiễm HIV ở Việt Nam hiện nay không còn khả năng lây nhiễm HIV vì lượng virus trong máu rất thấp, không có nguy cơ lây nhiễm HIV và họ vẫn có sức khỏe như những người bình thường, có khả năng lao động. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn không nhận các lao động nhiễm HIV vào làm vì lý do sức khỏe yếu. Từ đó gây ra phản ứng ngược cho người bệnh.

Bình Dương là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp trên địa bàn, có nhiều công nhân lao động và cộng đồng MSM, BSCKI. Vương Thế Linh - Trưởng Khoa HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù ngành y tế tỉnh luôn nỗ lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Điển hình, nhiều công ty giảm hoạt động kinh doanh sản xuất nên công nhân dễ mất việc gây ảnh hưởng tới đời sống của công nhân. Vậy nên, số ít vẫn chưa quan tâm đến truyền thông HIV/AIDS. Công tác truyền thông khó tập trung được đối tượng đích là nam MSM vì truyền thông công ty không phân biệt giới tính và độ tuổi. Truyền thông công nhân ở khu nhà trọ phải phối hợp từ nhiều bên, phải thông báo trước và làm vào cuối tuần, kinh phí hỗ trợ cho các công nhân giới hạn trong hoạt động truyền thông tại khu công nghiệp...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, thực hiện các phương pháp phòng, chống HIV/AIDS tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng có nhiều thuận lợi như các hoạt động được sự hỗ trợ, quan tâm của Sở Y tế và liên đoàn lao động, sự hỗ trợ kinh phí của nhiều dự án...

ThS.BS Võ Hải Sơn cho hay, thời gian công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS được triển khai nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhưng người nhiễm HIV/AIDS vẫn phải chịu sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội; trong các khu công nghiệp khi phát hiện người nhiễm HIV thì xếp họ vào đối tượng là sức khoẻ yếu, người bị AIDS là sức khoẻ rất yếu và họ không đủ điều kiện để lao đông, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Vì vậy việc triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng này rất quan trọng và cần thiết.

Ông Sơn cho rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể với Liên đoàn lao động các địa phương để triển khai thực hiện Hướng dẫn là rất quan trọng; cần ưu tiên trước cho các khu vực đặc biệt để tổ chức truyền thông, hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động.

Trong quá trình thực hiện hướng dẫn, với những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, ông Sơn mong muốn Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan sẽ có kiến nghị để điều chỉnh kịp thời.

Số người nhiễm HIV là công nhân và sinh viên có chiều hướng tăng

Tại hội thảo, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, năm 2030 Việt Nam cam kết kết thúc HIV. Tuy nhiên, thực tế, trong 2 năm trở lại đây, nhất là thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì số lượng người mắc HIV có xu hướng tăng, trong đó 2 nhóm đối tượng là công nhân lao động và sinh viên.

Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mong muốn, các tỉnh nắm thông tin nâng cao nhận thức để bảo vệ, chăm lo sức khỏe cho công nhân, người lao động, giúp họ hiểu và nắm bắt thông tin, nhận thức đúng về HIV/AIDS để có cách phòng, chống kịp thời.

Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố nắm bắt chủ trương lớn của ngành y tế, tổ chức hội nghị giao ban, chia sẻ định kỳ, đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền thực hiện các giải pháp phòng, chống HIV cho công nhân, người lao động; chăm lo tốt hơn việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động.

cc

Bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại TPHCM phát biểu. Ảnh: Thùy Chi

Bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết, thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (hay còn gọi là Chương trình PEPFAR), CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam ứng phó với HIV/AIDS trong hơn 20 năm qua.

Từ năm 2005, hàng nghìn người sống chung với HIV đã có thể tiếp cận được với các phương pháp điều trị cứu sinh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo đảm hiệu quả làm việc, duy trì tình trạng sức khoẻ tốt.

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023, Chương trình PEPFAR Việt Nam bao gồm cả CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ xét nghiệm HIV cho gần 50.000 khách hàng được xác định thuộc cồng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cộng đồng LGBT, người hành nghề mại dâm, người tiêm chích ma tuý với hơn 1.800 trường hợp được chuẩn đoán dương tính với HIV; đã hỗ trợ hơn 5.500 khách hàng bắt đầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các phòng khám HIV để có thể điều trị được ARV cho 92.000 người sống chung với HIV.

Bà Amy Frances Bailey cho rằng, việc hợp tác đa ngành sẽ giúp việc tuyên truyền phòng, chống, cũng như điều trị nhiễm HIV hiệu quả hơn, đó là lý do CDC Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và trung tâm y tế, Liên đoàn lao động tại nhiều địa phương để thực hiện giải pháp phòng ngừa HIV tại nơi làm việc.

Trong 2 năm qua nhiều hoạt động được triển khai, gồm hội thảo về các hoạt động chính sách ở tuyến tỉnh, hướng dẫn, đào tạo truyền thông tăng cường kiến thức về HIV cho lãnh đạo, quản lý, công đoàn, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp…

Hướng dẫn triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động là nguồn tài liệu thiết yếu khi thực hiện các hoạt động truyền thông và can thiệp, nhằm giảm thiếu nguy cơ với sức khoẻ, cải thiện chất lượng cuộc sống; qua đó người sử dụng lao động có thêm được nhiều lợi ích hơn từ một lực lượng gắn kết và hoạt động hiệu quả, năng suất hơn.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến cuối năm 2022, ước tính cả nước có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS (220.580 người được biết rõ tình trạng) và 112.572 người tử vong. Số người nhiễm HIV mới trong năm 2022 theo báo cáo là 11.037 và 1.582 người tử vong. Trong tổng số mắc mới của năm 2022, chiếm nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, TPHCM.

Từ năm 2020 trở lại đây, số người nhiễm HIV/AIDS gia tăng, trong đó nam giới chiếm 84,4%. Lây truyền HIV qua đường máu đang giảm, nhưng lây truyền qua đường tình dục tăng, đặc biệt trong nhóm quan hệ đồng giới tăng liên tục từ năm 2011 đến nay (năm 2020 chiếm 47%). Tỉ lệ quan hệ đồng giới nhiễm HIV rất cao, trung bình 13/100 người nhiễm, khu vực miền Nam cao hơn với 17/100 người nhiễm.

Nguồn: tiengchuong.chinhphu.vn