Skip to main content
Ban biên tập | 23 November 2023

      Đó là anh Lê Quốc Hưng, sinh năm 1976, hội viên Chi hội nông dân thôn Loi, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng. Anh Hưng được biết đến là người đầu tiên đưa cây na Thái Lan (na Thái) đến với vùng đất Yên Sơn, từ việc ghép thành công cây na Thái trên thân cây na ta đã giúp gia đình anh có thu nhập cao và ổn định.

ss


Anh Lê Quốc Hưng chăm sóc vườn na

          Những ngày giữa tháng 11/2023, chúng tôi  đến thăm gia đình anh Lê Quốc Hưng trong lúc anh đang tất bật chăm sóc vườn na Thái. Anh Hưng chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng na từ những năm 1998 với số lượng khoảng 300 cây, chủ yếu là na dai và na bở. Thấy hiệu quả kinh tế nên gia đình tôi đã mở rộng diện tích, trồng được gần 3.000 cây. Đến năm 2017, nhận thấy cây na Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần na ta nên tôi đã tìm hiểu kỹ thuật ghép cây na Thái trên thân cây na ta. Ban đầu tôi mua 200 cành na Thái tại xã Yên Vượng để ghép thử nghiệm tại vườn của gia đình, tuy nhiên, thời điểm đầu, tôi cũng gặp khó khăn do chưa có kiến thức, kinh nghiệm trong việc ghép cây na nên nhiều cây bị chết.

          Không nản chí, anh Hưng tiếp tục mày mò tìm hiểu trên mạng Internet và đến các vườn trồng na Thái tại các xã lân cận để học hỏi kỹ thuật, dần dần anh rút ra kinh nghiệm cho bản thân và thành công với việc ghép cây na Thái. Đến nay, gia đình anh đã ghép được hơn 2.000 cây na Thái.

          Ngoài cây na Thái, từ năm 2020, anh còn học hỏi kỹ thuật và ghép thành công giống na Đài Loan và na sầu riêng. Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng na của gia đình anh Hưng (gần 3.000 cây) đều đã chuyển sang các loại na có giá trị kinh tế cao (na Thái, na Đài Loan và na sầu riêng). Vụ na năm 2023 vừa qua, gia đình anh thu được 20 tấn quả, với giá bán từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/kg đối với na Thái và từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng/kg với na Đài Loan và na sầu riêng, gia đình anh Hưng có thu nhập trên 700 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang chăm sóc na gối vụ, dự kiến dịp Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch được trên 2 tấn quả.

          Từ thành công trong việc ghép cải tạo cây na ta thành na Thái tại vườn của gia đình, đến nay, anh Hưng đã hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật ghép cho 10 hộ dân trên địa bàn xã. Nhiều hộ đã thực hiện thành công và cũng dần chuyển đổi một phần diện tích na ta của gia đình sang na Thái để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình. Bà Vi Thị Sự, thôn Bãi Danh cho biết: Thấy gia đình anh Hưng chuyển sang ghép cây na Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2019, tôi đã đến học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ghép na Thái. Hiện gia đình tôi cũng chuyển đổi toàn bộ 2.000 cây na ta sang na Thái, na Thái có giá cao gấp 2 đến 3 lần na ta, thương lái đến tận vườn tìm mua nên không lo đầu ra, vụ na vừa qua gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng.

          Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc na các loại na “khổng lồ”, anh Hưng cho biết: Để thành công với mô hình này bản thân tôi đã phải trải qua nhiều lần thất bại. Đối với các loại cây na Thái, na Đài Loan, na sầu riêng cơ bản cách chăm sóc cũng giống như na ta. Tuy nhiên, để ghép thành công cây na phải chọn đúng thời điểm ghép là trước tết đến hết tháng 2 âm lịch, cành ghép phải là những cành phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Bên cạnh đó, bổ sung các loại phân bón phù hợp để đảm bảo độ ngọt cho quả; sử dụng túi bọc quả để tránh ruồi vàng xâm hại, giúp mẫu mã quả đẹp…

          Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn cho biết: Anh Lê Quốc Hưng là hội viên tiên phong trong việc ghép cải tạo na ta thành na Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm ghép, chăm sóc na cho nhiều hội viên, người dân trên địa bàn xã khi có nhu cầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên học hỏi kỹ thuật ghép cải tạo cây na Thái, na Đài Loan, na sầu riêng thực hiện tại vườn na của gia đình để góp phần nâng cao thu nhập.

Nguồn:baolangson.vn