Skip to main content
Ban biên tập | 25 July 2023

Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học quốc tế về HIV/AIDS lần thứ 12 (IAS) tại Brisbane, Úc, Việt Nam đã ký kết thông qua Lời kêu gọi hành động về K=K (Không phát hiện = Không lây truyền).

cc

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã thay mặt đoàn Việt Nam ký cam kết thông qua việc ký Lời kêu gọi Hành động đa quốc gia K=K. Ảnh: Cục Phòng, chống HIV/AIDS

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam cũng đã trải qua gần 4 thập kỷ ứng phó với HIV/AIDS. Nếu như trước đây khi nói đến HIV/AIDS nhiều người nghĩ ngay đến căn bệnh tử thần, cũng như sự kỳ thị rất lớn với những người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, sự ra đời của thuốc kháng virus ARV đã giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, lâu dài.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2017, tại Hội nghị AIDS toàn cầu tại Amsterdam (Hà Lan), giới khoa học trên thế giới đã công bố bằng chứng khoa học cho thấy, nếu một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị và đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục, thường được sử dụng với thuật ngữ Không phát hiện = Không lây truyền mà chúng ta thường gọi tắt là U=U trong tiếng Anh hay ở Việt Nam gọi là K=K.

Có thể nói, bằng chứng khoa học này đã làm thay đổi cơ bản quan điểm về điều trị HIV. Đó là, điều trị cũng là dự phòng. Đồng thời, cũng có ý nghĩa quan trọng với tất cả mọi người nhằm: Thúc đẩy người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV chủ động đi xét nghiệm sớm, hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV sớm.

Với người nhiễm HIV họ sẽ tiếp cận điều trị ARV sớm, tuân thủ điều trị để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Đặc biệt, giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, sống một cuộc sống của chính mình cũng như cộng đồng và người cung cấp dịch vụ không kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV.

Thông tin thêm với bạn bè quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, với ý nghĩa đó, ngay sau khi bằng chứng khoa học được công bố, Việt Nam không những tích cực phổ biến rộng rãi thông điệp này thông qua một chiến dịch truyền thông rộng rãi về K=K, không chỉ trên phương tiện truyền thông đại chúng, tập huấn cho các phóng viên báo chí, tổ chức các sự kiện và diễn đàn với các tổ chức xã hội, người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao, người cung cấp dịch vụ HIV mà cả cộng đồng người dân nói chung và trở thành quốc gia đi đầu trong việc đổi mới, vận động chính sách đưa K=K trong chiến lược quốc gia phòng, chống HIV.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên của PEPFAR và khu vực Đông Nam Á đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông K=K từ năm 2019 đến nay, bao gồm từ cấp trung ương đến cấp địa phương thông qua các văn bản các cấp. Đặc biệt, thông điệp đã được phổ biến mạnh mẽ qua mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống AIDS với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cùng các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Việt Nam cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng để bảo đảm rằng thông điệp K=K được mọi người đón nhận. "Tôi hi vọng việc ký kết này sẽ đưa khu vực các nước châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực đi đầu trong đổi mới toàn cầu về HIV. Tôi cho rằng cần tiếp tục triển khai, phổ biến mạnh mẽ hơn nữa các thông điệp như K=K để cán bộ y tế, cộng đồng đích và người dân đều hiểu về lợi ích của điều trị cũng như giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đó cũng là các giải pháp để Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu "Kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030",Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Với việc ký cam kết thông qua Lời kêu gọi Hành động đa quốc gia K=K, Việt Nam cam kết đưa K=K thành một thành phần không thể thiếu trong các chiến lược quốc gia trong dự phòng, xét nghiệm, điều trị HIV và tuân thủ điều trị để người bệnh đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

K=K đã mang lại hy vọng cho hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi HIV và thay đổi ý nghĩa của việc sống chung và yêu cùng với HIV trên toàn cầu. Với K=K, những người sống chung với HIV đang điều trị và đã đạt được tình trạng không phát hiện được hoặc ức chế được virus có thể sống một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và không truyền HIV cho bạn tình của họ.

Ngoài ra, K=K đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe của những người sống chung với HIV như giảm kỳ thị HIV, cải thiện hình ảnh bản thân, cải thiện sức khỏe tâm thần và tăng khả năng tự chủ và thoải mái trong việc chia sẻ tình trạng nhiễm với bạn tình.

Nguồn: tiengchuong.chinhphu.vn