Skip to main content
Ban biên tập | 23 September 2023

       Sáng ngày 10/9/2023 Tổ giao dịch lưu động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Lãng đã lên đường tới xã Hội Hoan. Đây là xã khó khăn của huyện Văn Lãng, xa trung tâm huyện tới 30 km, đường đi đèo núi và quanh co. Mặc dù vậy ai đấy trong tổ giao dịch cũng đều nóng lòng đến với người dân vùng đất khó này. Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt dốc, đi qua những khúc cua quen thuộc, chúng tôi đã đến trung tâm xã. Tại đây, người dân đã đến và đang chờ cán bộ để giao dịch.

          Vừa thấy chúng tôi, một thanh niên tiến lại gần hồ hởi nói “Cán bộ à, trâu nhà tôi đẻ được 2 con rồi, cả đàn trâu đều béo múp, khỏe, đẹp lắm. Đợi nghé lớn, tôi bán là trả được tiền cho Nhà nước rồi”. Chị Nguyễn Thị Mai Hương cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn xã giới thiệu với chúng tôi đó là anh Nông Văn Nguyên thôn Nặm Hép, một hộ gia đình nghèo trong xã được vay 50 triệu đồng năm 2017 để nuôi trâu sinh sản. Ngoài nguồn vốn vay, anh Nguyên còn bỏ thêm tiền tiết kiệm của gia đình mua được 4 con trâu. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình anh Nguyên có điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu thoát nghèo.

ss

Điểm giao dịch của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Lãng tại xã Hội Hoan

          Chị Hương tâm sự: “Tôi làm cán bộ tín dụng được gần 7 năm, phụ trách 4 xã, trong đó có 2 xã vùng 3, xã Hội Hoan là xã điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đường đi đến thôn, bản, nhiều khi phải nhờ dân khênh xe qua suối. Nếu đến thôn phải men theo đường mòn nhỏ quanh vách núi, dốc cứ thẳng đứng như đi… lên trời, tay lái non là chịu. Thế nhưng, tôi thấy hạnh phúc khi được đem nguồn vốn đến đồng bào Dân tộc thiểu số. Xã Hội Hoan hiện có 22 Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ 44 tỷ đồng cho 735 hộ vay. Nguồn vốn như chiếc cần câu giúp người nghèo và các đối tượng chính sách câu được con cá thoát nghèo bền vững.

          Anh Trịnh Anh Tú, tổ trưởng Tổ tín dụng Phòng giao dịch NHCXH huyện Văn Lãng chia sẻ, vấn đề đường sá đi lại khó khăn thì khỏi nói rồi, vì ở đây địa hình đồi núi, nhà lại ở cách xa nhau, việc đi đôn đốc, thu nợ chủ yếu là đi bộ, đến một lần không gặp thì lại đến lần 2, lần 3… Có nhiều thôn, bản với nhiều cái không: Không đường nhựa, không điện, không sóng điện thoại… thì việc người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn cần cả một quá trình, nên cán bộ được phân công phụ trách phần lớn đều trẻ, nhiệt tình để dễ bề “cắm bản”, cái tôi khâm phục hơn nữa là chị Hương lại là nữ. Sau 7 năm lặn lội với người dân các xã Hội Hoan, Thụy Hùng, Trùng Khánh, Hoàng Văn Thụ, các chương trình tín dụng chính sách mà chị Hương triển khai cho vay đều hoàn thành kế hoạch được giao, dư nợ cao và đặc biệt là không có nợ quá hạn. Tổng dư nợ 4 xã chị phụ trách là 81,6 tỷ đồng, chiếm 26,58% tổng dư nợ của NHCSXH Văn Lãng, có 48 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tiền gửi tiết kiệm là 2.002 triệu đồng, chiếm 23,13% dư tiết kiệm của đơn vị.

          Phiên giao dịch xã Hội Hoan bắt đầu từ 08 giờ 30 phút nên chúng tôi nhanh chóng lắp đặt máy móc để phục vụ bà con. Tôi chợt nhớ lại bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý “Ơ…, sương đêm chưa tan và bước chân cán bộ đã lên đường/Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng…/Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ…”. Những bước chân ấy vẫn miệt mài đến với bản làng xa xôi giúp người nghèo xua đi cái nghèo, lạc hậu,…

Nguồn: vanlang.langson.gov.vn