Skip to main content
Ban biên tập | 8 September 2023

        Người dân huyện Bình Gia đã lâu tận dụng diện tích đất trồng hồi để trồng chè, đem lại nguồn thu đáng kể từ chè dưới tán hồi. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đang triển khai đề tài nghiên cứu về chè dưới tán hồi trên địa bàn huyện Bình Gia. Các hoạt động của đề tài giúp người dân tiếp cận phương thức canh tác, sản xuất khoa học, từng bước phát triển bền vững vùng sản xuất chè trong thời gian tới.       

ss

   Gia đình ông Lăng Văn Kời, thôn Nà Pái, xã Tân Văn đã trồng chè dưới tán hồi từ hơn chục năm trước. Hiện nay, gia đình ông có 2 ha chè trồng dưới tán hồi đang sinh trưởng tốt và đem lại cho gia đình thêm một nguồn thu nhập. Từ năm 2022, gia đình ông Lăng Văn Kời là một trong 18 hộ dân tại xã Tân Văn, xã Mông Ân và thị trấn Bình Gia được Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ làm mô hình trồng cây chè dưới tán hồi trên đất đồi rừng. Gia đình ông không chỉ được hỗ trợ 4.000 cây chè giống mà còn được hỗ trợ vật tư, phân bón. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn chăm sóc cây trồng. Ông Lăng Văn Kời chia sẻ:"Chúng tôi rất cảm kích với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chè của gia đình. Chúng tôi đã được hưởng nhiều lợi ích từ việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới và được hỗ trợ vật tư, phân bón. Nhờ đó, sản lượng chè của gia đình tăng lên và chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao".

          Các gia đình khác như gia đình ông Phùng Văn Khiêm tại Thị trấn Bình Gia cũng được hỗ trợ tham gia mô hình sản xuất chè dưới tán hồi theo tiêu chuẩn Việt Gáp. Ngoài hướng dẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc cây chè, các gia đình còn được hỗ trợ lắp đặt các máy vò chè, máy sao chè và máy hút chân không. Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cũng đã cử chuyên gia hướng dẫn sử dụng các loại máy và kỹ thuật chế biến chè xanh cho hộ gia đình. Ông Phùng Văn Khiêm cho biết:"Chúng tôi rất vui mừng khi được hỗ trợ về máy móc và kỹ thuật sản xuất chè. Chất lượng sản phẩm chè của gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể và giá trị kinh tế của sản phẩm cũng tăng lên".

          Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu và phát triển chè dưới tán hồi tại huyện Bình Gia, với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hỗ trợ người dân trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, cải tiến kỹ thuật chế biến và tăng cường quản lý sản xuất. Đồng thời, Viện cũng đang tập trung phát triển các sản phẩm chè đặc sản của huyện Bình Gia để giới thiệu đến thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm chè đặc trưng của địa phương.

          Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển huyện Bình Gia cho biết: "Đến nay, đã có 18 hộ trên địa bàn Thị trấn Bình Gia, xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Văn đăng ký và đã tham gia mô hình thâm canh chè dưới tán hồi, với tổng diện tích là 15,1 héc ta; 18 hộ tại Thị Trấn Bình Gia, xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Văn và xã Mông Ân tham gia trồng mới giống chè xanh dưới tán hồi, với số cây được nhận là trên 26000 cây chè trên tổng diện tích là 11,2 Héc ta. Số lượng phân bón mà các hộ được nhận 29 tấn phân bón. Đến nay, các diện tích chè trồng mới đều có tỷ lệ sống đạt trên 90%. "

          Chè dưới tán hồi là sản phẩm đặc trưng của huyện Bình Gia. Năm 2019, sản phẩm đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Những năm gần đây, sản phẩm này đã khẳng định là nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Do đó, nghiên cứu không chỉ đưa người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mà còn góp phần phát triển vùng sản xuất chè dưới tán hồi bền vững trong thời gian tới./.

Nguồn:binhgia.langson.gov.vn