Skip to main content
Ban biên tập | 22 August 2023

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã công bố hướng dẫn khoa học và quy phạm mới về virus HIV tại Hội nghị khoa học về HIV của Hiệp hội Chuyên gia quốc tế về HIV/AIDS (International AIDS Society - IAS) diễn ra tại Úc.

cc

Trong hơn 20 năm qua, các quốc gia trên toàn thế giới đã dựa vào các hướng dẫn dựa trên bằng chứng của WHO để phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị nhiễm HIV. Ảnh minh họa

Hướng dẫn mới của WHO và một đánh giá hệ thống kèm theo của tạp chí y khoa Lancet vừa được công bố đã mô tả vai trò của việc ức chế HIV và mức độ virus dưới ngưỡng phát hiện trong việc cải thiện sức khỏe người bệnh cũng như ngăn chặn sự lây truyền HIV.

Hướng dẫn mô tả các ngưỡng chính về tải lượng virus HIV và các phương pháp đo lường mức độ virus so với các ngưỡng này. Ví dụ, những người nhiễm HIV có tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện nhờ việc thường xuyên dùng thuốc kháng virus ARV có thể không lây HIV cho bạn đời và không có nguy cơ lây truyền HIV cho con.

Bằng chứng cũng chỉ ra rằng nguy cơ lây truyền HIV là không đáng kể hoặc gần như bằng 0 khi một người có tải lượng virus HIV đo được thấp hơn hoặc bằng 1.000 bản sao/ml máu, thường được gọi là có tải lượng virus bị ức chế.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong hơn 20 năm qua, các quốc gia trên toàn thế giới đã dựa vào các hướng dẫn dựa trên bằng chứng của WHO để phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị nhiễm HIV. Các hướng dẫn mới mà WHO công bố sẽ giúp các quốc gia sử dụng các công cụ mạnh mẽ có khả năng thay đổi cuộc sống của hàng triệu người đang sống chung hoặc có nguy cơ nhiễm HIV.

Vào cuối năm 2022, khoảng 29,8 triệu trong số 39 triệu người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (tương đương 76% tổng số người nhiễm HIV) với gần 71% trong số họ sống chung với virus HIV ở mức ức chế virus. Điều này đồng nghĩa đối với những người có tải lượng virus bị ức chế thì sức khỏe của họ được bảo vệ tốt và không có nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Đây là một tiến bộ rất tích cực đối với người trưởng thành sống chung với HIV, tuy nhiên ức chế tải lượng virus ở trẻ em nhiễm HIV chỉ đạt 46% là một thực tế cần được quan tâm khẩn cấp.

Theo WHO, những người nhiễm HIV cũng có nguy cơ dễ mắc các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và trở bệnh nặng hơn khi mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Theo một phân tích dữ liệu giám sát toàn cầu được báo cáo cho WHO trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia, trong số hơn 82.000 trường hợp mắc bệnh, khoảng 32.000 trường hợp có liên quan tới HIV.

Trong số 16.000 người bị chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ và sống chung với HIV, khoảng 25% nhiễm HIV tiến triển hoặc bị ức chế miễn dịch - dẫn đến tăng nguy cơ nhập viện và tử vong. Những người nhiễm HIV đang điều trị và có khả năng miễn dịch tốt có kết quả nhập viện và tử vong tương tự những người âm tính với HIV.

Dựa trên những phát hiện này, WHO khuyến nghị các quốc gia nên lồng ghép việc phát hiện, phòng ngừa và chăm sóc bệnh đậu mùa khỉ với các chương trình phòng chống và kiểm soát HIV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Đối với bệnh Covid-19, một phân tích cập nhật từ nền tảng lâm sàng toàn cầu của WHO cho đến tháng 5/2023 cho thấy nguy cơ tử vong cao "dai dẳng" ở những người nhiễm HIV nhập viện vì mắc Covid-19 qua các đợt bùng phát biến thể trước các biến thể của virus SARS-CoV-2 là Delta, Delta và Omicron, với tỉ lệ tử vong chung trong bệnh viện là 20-24%.

Đối với những người không nhiễm HIV, nguy cơ tử vong trong đợt bùng phát biến thể Omicron giảm 53-55% so với các đợt bùng phát biến thể trước Delta và biến thể Delta; nhưng đối với những người nhiễm HIV, tỷ lệ tử vong trong giai đoạn làn sóng biến thể Omicron so với các đợt bùng phát khác lại không giảm đáng kể (16-19%).

Sự khác biệt này dẫn đến nguy cơ tử vong ở những người nhiễm HIV cao gấp 142 lần so với những người bình thường trong thời kỳ bùng phát biến thể Omicron.

TS. Meg Doherty, Giám đốc Chương trình toàn cầu của WHO về HIV, Viêm gan và Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cho biết, nếu HIV không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ và đại dịch Covid-19. Do đó các nước cần bảo đảm lồng ghép các vấn đề liên quan HIV trong việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

"Bảo vệ những người nhiễm HIV trước các đại dịch trong tương lai lá rất quan trọng. Việc này cũng bảo đảm khả năng tiếp cận xét nghiệm và điều trị HIV cũng như vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ và Covid-19; cách thức ứng phó của cộng đồng có hiệu quả đối với HIV cũng sẽ có lợi cho việc giải quyết các đại dịch trong tương lai" TS. Meg Doherty nhấn mạnh.

Với các khuyến nghị mới nhất về xét nghiệm HIV, WHO kêu gọi các quốc gia mở rộng việc sử dụng phương pháp tự xét nghiệm HIV và thúc đẩy xét nghiệm thông qua các mạng xã hội để tăng tỉ lệ bao phủ xét nghiệm, cũng như khả năng tiếp nhận các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV tại những khu vực có khoảng cách lớn nhất về tỉ lệ bao phủ xét nghiệm.

Bên cạnh đó, khung chính sách mới về chăm sóc sức khỏe ban đầu và HIV sẽ giúp các nhà ra quyết định tối ưu hóa công việc và sự hợp tác để thúc đẩy chăm sóc sức khỏe ban đầu và các cách thức ứng phó bệnh tật, bao gồm cả HIV.

Nguồn: tiengchuong.chinhphu.vn