Skip to main content
Ban biên tập | 18 August 2023

         Sáng 4/8, tại Nhà Quốc hội, đoàn giám sát của Quốc hội có buổi làm việc với Bộ LĐTB&XH về việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

ss

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, thời gian qua, công cuộc giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực - Ảnh: VGP/ĐH

          Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của Tổ Công tác và Báo cáo của Bộ LĐTB&XH trong  triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đồng thời cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao, đạt được những kết quả bước đầu, nhất là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện Chương trình, góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm, cải thiện cuộc sống người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

          Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến đoàn giám sát cho rằng nhiều văn bản của 3 CTMTQG, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững ban hành chậm, nội dung ban hành còn có vướng mắc, bất cập cả ở cấp Trung ương và địa phương. Do đó việc triển khai thực hiện còn có hạn chế.

          Một số ý kiến đề nghị cần phân tích, đánh giá, làm rõ hơn hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo địa phương của các CTMTQG trong việc quản lý, tổ chức và điều hành các CTMTQG; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chủ quản thực hiện 3 CTMTQG, giữa các cơ quan chủ quản Chương trình với các bộ hữu quan; trách nhiệm và sự chủ động, tích cực của các cơ quan chủ quản, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai CTMTQG giảm nghèo bền vững.

          Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã giải trình, làm rõ các vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm liên quan tới tính bền vững của CTMTQG giảm nghèo, về nguồn vốn, về tình trạng manh mún, đầu tư dàn trải, phân tán…

ss

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ các vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm - Ảnh: VGP/ĐH

          Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh thời gian qua, công cuộc giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ LĐTB&XH rất nỗ lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Do đó, đề nghị Báo cáo của Bộ cần làm rõ những điểm sáng nổi bật trong thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.

          Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH làm rõ một số tồn tại, hạn chế cơ bản của CTMTQG giảm nghèo bền vững, như tình trạng cào bằng, đầu tư manh mún, dàn trải, tình trạng "giấy phép con," cát cứ, việc phối hợp với các bộ ngành chưa đồng bộ, khó huy động vốn đối ứng, các vấn đề về thực tiễn như năng lực của cán bộ các cấp, tâm lý sợ sai, tính bền vững của Chương trình… Từ đó, đề nghị Bộ sớm có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

          Qua cuộc làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổ Công tác có văn bản gửi Bộ LĐTB&XH để Bộ sớm hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi đoàn giám sát./.

Nguồn:baochinhphu.vn