Skip to main content
Ban biên tập | 18 August 2023

          Thông qua nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh, hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh đã có việc làm mới và thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên chưa đáp ứng hết nhu cầu vay của người lao động.

ss

Gia đình ông Đoàn Văn Công, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn sử dụng vốn vay chương trình tạo việc làm để kinh doanh

          Trong những năm qua, nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh được vay vốn để phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế. Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt trên 459 tỷ đồng, với hơn 8.800 hộ còn dư nợ. Mặc dù đem lại hiệu quả tốt trong tạo việc làm cho người lao động, tuy nhiên hiện nguồn vốn cho vay từ chương trình rất hạn chế nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

          Ông Đoàn Văn Công, hộ kinh doanh tại đường Bắc Sơn, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Gia đình tôi chủ yếu kinh doanh các đồ dùng phục vụ gia đình, đặc biệt là bán buôn cho các tiểu thương tại các huyện trong tỉnh. Sau dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, đầu năm 2023, gia đình tôi được cán bộ NHCSXH hướng dẫn vay vốn để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù gia đình có nhu cầu vay 100 triệu đồng để mua hàng hóa phục vụ kinh doanh nhưng chỉ được giải ngân 50 triệu đồng.

          Cũng như gia đình ông Công, thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn thành phố dù có nhu cầu vay nhiều nhưng nguồn vốn hạn hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con.

          Ông Nguyễn Dương Thắng, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh, phụ trách công tác tín dụng địa bàn thành phố cho biết: Theo tính toán, trung bình mỗi năm, nhu cầu vay vốn chương trình tạo việc làm trên địa bàn thành phố khoảng 50 – 60 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn chương trình cho vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu người lao động. Như năm 2023, nguồn vốn từ chi nhánh NHCSXH tỉnh giao và vốn ngân sách thành phố, ngân sách tỉnh  giao cho chương trình chỉ có khoảng 11 tỷ đồng.

          Không chỉ thành phố, từ nhiều năm nay, tình trạng thiếu nguồn vốn cho vay theo chương trình tạo việc làm đã được đề cập tại nhiều hội nghị giao ban của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH từ tỉnh đến cấp huyện, cũng như tại các buổi giao ban định kỳ hằng tháng của NHCSXH các huyện, thành phố với các tổ chức hội, đoàn thể và tổ tiết kiệm và vay vốn. Thực trạng cung không đủ cầu đã khiến nhiều lao động có nhu cầu vay vốn nhưng không được đáp ứng, gây khó khăn trong công tác giải quyết việc làm, phát triển kinh tế của nhiều hộ dân, nhất là với những hộ không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại.

          Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện nay, nhu cầu vay vốn chương trình tạo việc làm trên địa bàn huyện rất cao, khoảng 25 đến 30 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hằng năm nguồn vốn được giao và vốn ngân sách huyện chuyển sang chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu vay vốn của người lao động. Như năm 2023, nguồn vốn của NHCSXH tỉnh và ngân sách huyện phân bổ cho phòng giao dịch huyện để cho vay chương trình mới được 4 tỷ đồng, do đó, không đáp ứng đủ nhu cầu vay.

          Theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, nhu cầu vay vốn của chương trình cho vay tạo việc làm rất lớn (trên 350 tỷ đồng/năm), đặc biệt thời điểm này, các đối tượng là người lao động từ các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố vì tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã quay trở lại địa phương để sinh sống và làm ăn nên có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, nguồn vốn do NHCSXH Trung ương phân bổ hằng năm và vốn ngân sách địa phương chuyển sang chương trình tạo việc làm còn hạn chế (chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu vay vốn). Đơn cử như trong năm 2023, chi nhánh mới được trung ương giao 40 tỷ đồng chương trình cho vay tạo việc làm; ngân sách tỉnh chuyển 3/5,2 tỷ đồng (chi nhánh sử dụng 70% để cho vay chương trình tạo việc làm), do vậy chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của nhiều người lao động.

          Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của lao động, chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH để cho vay theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.           Cùng với đó chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét sửa đổi Đề án cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương theo hướng bổ sung thêm nguồn vốn chuyển sang NHCSXH để cho vay hằng năm. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục kiến nghị NHCSXH Trung ương quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình tạo việc làm đáp ứng nhu cầu vốn vay của người lao động.

          Có thể thấy, nguồn vốn vay của chương trình đã hỗ trợ khách hàng đầu tư vào sản xuất, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Hy vọng rằng, thời gian tới, chương trình sẽ được Trung ương và tỉnh bổ sung vốn để chương trình phát huy hiệu quả hơn nữa.

Nguồn:baolangson.vn