Skip to main content
Ban biên tập | 17 August 2023

          Với lợi thế sẵn có về nguồn nguyên liệu, người dân xã Chí Minh, huyện Tràng Định đã tạo ra những sản phẩm đan lát đẹp mắt. Nghề thủ công truyền thống này đã góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

          Có dịp đến thôn Lũng Phầy – Khuổi Nà, xã Chí Minh vào một ngày giữa tháng 6, chúng tôi ngỡ ngàng vì tại đây người dân vẫn duy trì và phát triển nghề đan lát thủ công truyền thống.

ss

Người dân xã Chí Minh đan lát sản phẩm thủ công truyền thống

          Chị Hà Thị Huệ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lũng Phầy – Khuổi Nà cho biết: Toàn thôn hiện có 70 hộ dân với 305 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao. Hiện người dân trên địa bàn thôn vẫn giữ gìn và phát triển nghề đan lát thủ công truyền thống. Toàn thôn hiện có 20 hộ với trên 50 người đang duy trì làm nghề. Các sản phẩm người dân làm ra chủ yếu là nong, nia, mẹt… phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó. Nhờ đó, người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

          Tương tự thôn Lũng Phầy – Khuổi Nà, hiện nay người dân tại thôn Cốc Tòong – Thà Lừa cũng đang duy trì và phát triển nghề đan lát truyền thống này. Ông Nông Văn Nàm (63 tuổi), thôn Cốc Toòng – Thà Lừa cho biết: Từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông bà, bố mẹ dạy cho cách để làm ra những chiếc mẹt, chiếc nia đẹp mắt. Để có một sản phẩm thủ công bền và đẹp thì người làm cần chú ý đến khâu xử lý nguyên liệu. Những cây vầu, nứa, cây mây phải đủ độ già nếu không sản phẩm sẽ nhanh hỏng. Sản phẩm sau khi hoàn thành cần xông khói bếp để tránh mối mọt, cong vênh và bền hơn trong quá trình sử dụng. Hiện nay, tranh thủ những lúc nông nhàn, các thành viên trong gia đình tôi vẫn tập trung đan lát để có thêm thu nhập. Tùy thời điểm, mỗi tháng gia đình tôi sản xuất được từ 60 đến 100 cái mẹt. Nhờ đó, đem lại cho gia đình thêm thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

          Theo số liệu thống kê, toàn xã hiện có 42 hộ dân với trên 120 người làm nghề đan lát; tập trung chủ yếu tại các thôn: Lũng Phầy – Khuổi Nà, Cốc Tòong – Thà Lừa… Nghề đan lát này đã có trên địa bàn xã từ lâu đời. Nếu như trước đây, bà con đan lát các sản phẩm nong, nia, mẹt chủ yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt thường ngày của gia đình và bán lẻ tại các chợ thì khoảng 5 năm trở lại đây các sản phẩm đã có thương lái thu mua xuất bán sang Trung Quốc.

          Theo những người làm nghề đan lát tại đây, nguyên liệu để làm ra những chiếc nong, nia bền và đẹp mắt chủ yếu là cây vầu, cây nứa và cây mây. Đây đều là những loại cây có trong tự nhiên. Tranh thủ những hôm trời nắng, người dân lên rừng chặt cây đem về chẻ ra thành lạt, uốn tròn thành khung của chiếc nong, chiếc nia… Khi đan, phải thật khéo léo để những chiếc nan được uốn đều, đẹp và cân đối. Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, thường người làm sẽ phải trải qua 12 công đoạn thực hiện.

          Vì chỉ tranh thủ làm những lúc rảnh rỗi nên mỗi hộ làm nghề làm được khoảng từ 60 đến 100 sản phẩm/tháng, tùy kích cỡ. Việc sản xuất, đan lát các sản phẩm được người dân thực hiện hoàn toàn bằng thủ công.

          Mỗi sản phẩm bà con làm ra được thương lái thu mua với giá dao động từ 60 đến 100 nghìn đồng/sản phẩm, tùy loại, tùy kích thước. Nhờ đó, người dân có thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/hộ/tháng.

          Ông Mã Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết: Đây là nghề thủ công truyền thống duy nhất còn duy trì, phát triển trên địa bàn xã. Do vậy, thời gian qua, UBND xã có một số định hướng để giữ vững nghề nhằm nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế cho bà con. Cụ thể, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch, đưa nội dung bảo tồn, phát triển nghề đan lát truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Cùng đó, hiện nay, UBND xã đang tuyên truyền các hộ dân làm nghề thành lập HTX, từ đó xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; khuyến khích mở các lớp dạy nghề; hỗ trợ tìm kiếm, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con… Qua đó, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của nghề truyền thống, giúp người dân có thu nhập cao hơn.

          Nghề đan lát truyền thống đã tồn tại ở xã Chí Minh từ nhiều đời nay. Việc duy trì, phát triển nghề truyền thống này vừa góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc, vừa giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Nguồn:baolangson.vn