Skip to main content
Ban biên tập | 17 August 2023

         Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đình Lập hiện có 13 hội cơ sở, với trên 1.500 hội viên sinh hoạt tại 100 chi hội. Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho CCB, các cấp hội trong toàn huyện đã tập trung vận động, khuyến khích hội viên nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

          Nhận thấy việc trồng các loại cây hoa màu truyền thống như ngô, lúa chỉ giúp gia đình đủ ăn nên năm 2017, ông Đặng Văn Coỏng, CCB thôn Kim Quán, xã Đình Lập đã mạnh dạn đầu tư tiền, công sức để phát triển mô hình kinh tế trồng cây măng tây. Ông Coỏng cho biết: Ban đầu tôi trồng thử nghiệm 1 sào măng tây, thấy khả quan nên năm 2018, tôi mạnh dạn vay thêm vốn  ngân hàng và vay mượn của bạn bè để trồng thêm 1 mẫu măng tây. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong chăm sóc măng tây, từ năm 2019 đến nay, gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ mô hình trồng măng tây.

ss

CCB Chi hội thôn Bình Chương 2, xã Đình Lập cạo nhựa thông

          Không chỉ ông Coỏng, các CCB trên địa bàn huyện cũng tích cực tìm tòi, phát triển kinh tế từ các mô hình như: trồng cây ăn quả, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi… Hiện toàn huyện có 112 mô hình kinh tế do CCB làm chủ đem lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 100 đến trên 500 triệu đồng/năm/mô hình. Tiêu biểu như: mô hình trồng và chế biến chè của hội viên Đỗ Văn Đồng (thị trấn nông trường Thái Bình) với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; mô hình sửa chữa ô tô và khai thác nhựa thông của CCB Nguyễn Xuân Chưởng (thị trấn Đình Lập) với thu nhập gần 150 triệu đồng/năm, mô hình trang trại chăn nuôi gà giống, khai thác nhựa thông của CCB Vi Tiến Trường (xã Cường Lợi) với thu nhập trên 250 triệu đồng/năm; CCB Vũ Đăng Hệ (xã Bắc Lãng) với mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh thu nhập 200 triệu đồng/năm…

          Ông Lê Minh Thuân, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Nhằm động viên hội viên phát huy ý chí tự lực tự cường, các cấp hội đã đứng ra nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế; huyện hội phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nâng cao kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên; trích một phần quỹ hội để giúp đỡ hội viên về vốn, đồng thời vận động các hội viên có kinh nghiệm làm kinh tế giúp đỡ các hội viên khác…

           Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Hội CCB huyện đã nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 680 hộ hội viên vay vốn để phát triển kinh tế với tổng dư nợ hiện tại trên 56 tỷ đồng. Mỗi hội viên vay từ 50 đến 100 triệu đồng. Nguồn vốn vay được hội viên dùng để đầu tư mua cây con, cây giống, mua giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp và các trang thiết bị phục vụ sản xuất như: máy cạo nhựa thông, máy sấy chè, phân bón cây trồng…

           Ngoài hỗ trợ vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp hội cũng thường trích quỹ hội để hội viên được vay vốn không tính lãi phát triển kinh tế. Từ năm 2020 đến nay, nguồn quỹ hội đã cho gần 200 lượt hội viên vay với số tiền trên 520 triệu đồng.

           Cùng với đó, hằng năm, huyện hội đều phối hợp với Hội Nông dân huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và các cơ quan chuyên môn tổ chức từ 4 đến 6 lớp tập huấn để cung cấp cho bà con kiến thức về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, cây lâm nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm…;  huyện hội đã tạo điều kiện để hội viên được gặp gỡ, giao lưu, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ hợp tác… có chung loại hình sản xuất, kinh doanh nhằm giúp đỡ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, giúp tiêu thụ sản phẩm.

           Ông Nông Văn Sái, Chủ tịch Hội CCB xã Đình Lập cho biết: Hội CCB xã Đình Lập hiện có 210 hội viên sinh hoạt tại 15 chi hội. Để động viên, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, ngoài hỗ trợ vay vốn, cử hội viên tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi còn thường xuyên đến các mô hình của hội viên để khảo sát, tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho hội viên trong quá trình phát triển các mô hình. Hiện toàn hội có gần 50 hội viên làm kinh tế giỏi với các mô hình chủ yếu là trồng và khai thác nhựa thông, mang lại thu nhập trên 120 triệu đồng/mô hình/năm.

          Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh đánh giá: CCB huyện Đình Lập đã tích cực thực hiện hiệu quả phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Tỷ lệ hộ CCB khá và giàu ngày càng tăng, qua đó đã giúp nâng cao đời sống cho hội viên, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

          Nhờ ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Các mô hình kinh tế đã giúp hội viên có cuộc sống ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 15,01% (năm 2017) đến hết năm 2022 giảm còn 3,05% (bình quân của CCB tỉnh là 5,44%); số hộ hội viên khá và giàu năm 2017 là  577 hộ (chiếm 39%) đến nay đã tăng lên trên 1.170 hộ, chiếm gần 78% tổng số hộ hội viên; thu nhập bình quân đầu người của hội viên CCB trong toàn huyện ước đạt trên 65 triệu đồng/người/năm (tăng gần 20 triệu đồng so với năm 2017). Đến nay, số dư tiền gửi tiết kiệm của hội CCB là gần 1 tỷ 700 triệu đồng, bình quân đạt 2,4 triệu đồng/hộ hội viên.

Nguồn:baolangson.vn