Skip to main content
Ban biên tập | 16 August 2023

          Đó là ông Hoàng Văn Chức (sinh năm 1968), hội viên nông dân (HVND) khu Ga Bắc, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Với quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, ông Chức đã vươn lên làm giàu bằng mô hình trồng na và trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của thị trấn với thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm.

          Những ngày đầu tháng 6/2023, phóng viên có dịp đến thăm vườn na núi đá của gia đình ông Chức tại Khu Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, vượt qua quãng đường dốc dựng đứng dưới cái nắng nóng gay gắt của mùa hè, chúng tôi mới phần nào cảm nhận được sự vất vả của những người trồng na nơi đây. Vừa thoăn thoắt thực hiện các biện pháp kỹ thuật thụ phấn cho na, ông Chức vừa cho biết: Tôi vốn sinh ra và lớn lên tại xã Vân An, huyện Chi Lăng. Năm 1987, tôi xuống thị trấn Đồng Mỏ sinh sống và lập gia đình tại đây. Khi con cái lần lượt ra đời, đời sống kinh tế càng gặp nhiều khó khăn nên năm 2003, tôi đã bàn bạc cùng vợ và gom góp mua lại khu vườn này với diện tích khoảng 2 ha để trồng na.

ss

Ông Chức tiến hành tỉa cành cho cây na

          Theo đó, từ năm 2003, gia đình ông đã trồng hơn 1.500 cây na. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chưa đồng đều, thậm chí nhiều cây chết bởi sâu bệnh, sau 3 năm trồng, na cho thu hoạch với sản lượng chưa cao, chỉ đem lại nguồn thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm.

          Không khuất phục trước khó khăn, ông quyết tâm tìm tòi, học hỏi từ sách, báo, mạng Internet và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây na do Hội Nông dân (HND) thị trấn phối hợp tổ chức. Đồng thời, ông chủ động học hỏi thêm kỹ thuật về cắt tỉa cành, tạo tán, dải vụ… từ những hộ có kinh nghiệm trồng na tiêu biểu và đầu tư thêm hệ thống điện, nước để phục vụ tưới cho cây na. Đặc biệt, năm 2018, gia đình ông đã tham gia sản xuất na theo quy trình VietGAP.

          Chia sẻ thêm về kinh nghiệm sản xuất na theo quy trình VietGAP, ông Chức cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn này, toàn bộ quá trình chăm sóc cây, từ bón phân, phun thuốc trừ sâu sinh học đến thu hoạch đều được gia đình tôi ghi chép nhật ký. Mặc dù quy trình chăm sóc khắt khe hơn nhưng tôi nhận thấy cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả đều, đẹp, năng suất và chất lượng quả ngon hơn so với trồng theo phương pháp truyền thống.

          Đáng chú ý, đầu năm 2020, khi được tuyên truyền, hướng dẫn về sử dụng tem truy suất nguồn gốc, gia đình ông là hộ đầu tiên trong khu tiên phong về sử dụng tem truy xuất nguồn gốc và sử dụng thùng đựng na có in thương hiệu Na Chi Lăng. Cùng với đó, ông và các thành viên trong gia đình đã đăng sản phẩm quả na lên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các sàn thương mại điện tử… nên đầu ra của sản phẩm na luôn ổn định. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi vụ na, gia đình ông Chức thu được hơn 6 tấn quả, với giá bán đạt 50.000 đến 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng.

          Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Chức còn luôn giúp đỡ mọi người xung quanh khi có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời hằng năm, gia đình ông tạo việc làm thời vụ cho  2 – 3 lao động trên địa bàn huyện với thu nhập 300 nghìn đồng/người/ngày.

          Ông Nguyễn Văn Thật, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Ông Chức là HVND tiêu biểu trên địa bàn thị trấn. Không chỉ là người năng động, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại thu nhập cao cho gia đình mà ông còn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công tác hội và nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khác. Với những nỗ lực đó, ông Chức nhiều lần nhận giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành về sản xuất kinh doanh giỏi. Gần đây nhất, tháng 5/2023, ông là 1 trong 4 cá nhân của tỉnh được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nông dân giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Nguồn:baolangson.vn