Skip to main content
Ban biên tập | 14 August 2023

          Những năm qua, hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Hữu Lũng đã hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Nhiều cựu TNXP đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Lý (sinh năm 1949), thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng là một cựu TNXP, hội viên nông dân điển hình tiêu biểu.

            Bà Nguyễn Thị Lý sinh ra và lớn lên tại huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Năm 1961, bà cùng gia đình chuyển lên xã Yên Vượng sinh sống và phát triển kinh tế. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà lên đường tham gia lực lượng TNXP. Năm 1969, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà tham gia sản xuất tại Nhà máy dệt 8-3 (nay là Công ty TNHH MTV Dệt 8-3) tại Hà Nội. Năm 1972, bà trở về xã Yên Vượng lập gia đình, phát triển kinh tế tại địa phương.

ss

Bà Nguyễn Thị Lý chăm sóc vườn na

            Nhớ về quãng thời gian ngày mới trở về, bà Lý chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Không cam chịu nghèo khó, tôi luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế mới. Theo đó, từ năm 1973 đến năm 2003, tôi tập trung phát triển chăn nuôi lợn kết hợp trồng trọt (ngô, khoai, sắn) để chủ động về thức ăn cho đàn vật nuôi. Thời điểm nuôi nhiều nhất, gia đình tôi nuôi 10 con lợn/lứa. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên từ năm 2004, 2005, gia đình tôi chuyển hướng, tập trung phát triển cây ăn quả. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng địa phương thích hợp trồng na, năm 2005, thông qua Hội Nông dân xã tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng số vốn tích góp được chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng 1.000 cây na dai.

            Những năm đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên cây còi cọc, quả sai ít, giá trị kinh tế không cao. Ý thức được việc sản xuất na theo hướng an toàn sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng quả, từ năm 2015, bà tích cực tham gia các lớp tập huấn, từ đó áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Cùng đó, gia đình bà tích cực mở rộng diện tích trồng na lên 4.000 cây; chú trọng chăm sóc, sản xuất na theo quy trình VietGAP…

            Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn na của gia đình bà Lý cho năng suất, chất lượng quả ngày một tăng. Ngoài tiêu thụ trên địa bàn huyện, sản phẩm na của gia đình bà còn được nhiều thương lái từ các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… thu mua. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình bà thu được từ 9 đến 10 tấn quả, đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, từ năm 2016, bà tiếp tục chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng trên 100 cây nhãn. Vườn nhãn hiện phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch 5 đến 6 tạ quả/năm… Từ mô hình trồng cây ăn quả các loại, gia đình bà có thu nhập ổn định từ 300 đến 330 triệu đồng/năm.

            Không chỉ được biết đến là cựu TNXP, hội viên nông dân làm kinh tế giỏi, bà Lý còn được mọi người tin yêu, quý mến vì luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho bà con. Cùng với đó, bà còn tích cực tham gia các phong trào, đóng góp xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã…

            Bà Hoàng Thị Vinh, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Yên Vượng nhận xét: Bà Nguyễn Thị Lý là người luôn năng động, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ sự cần cù, sáng tạo, bà đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà còn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các hội viên có nhu cầu đến học tập; tạo việc làm thời vụ cho 5 – 6 lao động tại địa phương. Cùng với đó, bà luôn gương mẫu, tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ, phong trào của hội, của địa phương; xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

            Với những cố gắng, nỗ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương, nhiều năm liền bà Lý được nhận giấy khen, bằng khen của chính quyền các cấp. Tháng 2/2022, bà Nguyễn Thị Lý vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì là nông dân có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.

Nguồn: baolangson.vn