Skip to main content
Ban biên tập | 25 October 2022

Theo thông tin từ Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, Việt Nam là quốc gia đủ tiêu chuẩn để tiếp tục xây dựng đề xuất viện trợ của Quỹ Toàn cầu cho phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn 2024-2026. Và dự kiến sẽ nộp đề xuất này vào tháng 5/2023.

cc

Hoạt động can thiệp, chuyển gửi điều trị cho người nhiễm HIV từ dự án Quỹ Toàn cầu. Ảnh: Thùy Chi

Ông Olivier Cavey, Cán bộ Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai viện trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cho các giai đoạn vừa qua, nhất là trong những năm gần đây khi các yêu cầu của Quỹ Toàn cầu với triển khai chương trình ngày càng cao, tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn triển khai hiệu quả nguồn viện trợ và nổi lên như là nước dẫn đầu trong các quốc gia nhận viện trợ từ Quỹ Toàn cầu. "Chúng tôi hoàn toàn tin cậy vào các hoạt động mà Việt Nam đang triển khai và ủng hộ Việt Nam trong những hoạt động mà các bạn đề xuất cho giai đoạn tới", ông Olivier Cavey khẳng định.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét đã tài trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam nhiều năm qua. Đến nay, sau nhiều năm đồng hành, nhiều nhà tài trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã rút khỏi Việt Nam nhưng cùng với Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét là hai tổ chức vẫn tiếp tục đồng hành cùng chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Sự đồng hành của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét đã giúp Việt Nam tiếp tục duy trì các thành quả trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS những năm qua cũng như tiến tới đạt được mục tiêu đầy tham vọng mà Việt Nam đã đặt ra là tiến tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét được thành lập năm 2003 theo đề nghị của Liên Hợp Quốc với nguồn vốn do các quốc gia đóng góp để hỗ trợ các nước trên toàn cầu trong công cuộc phòng chống ba căn bệnh là AIDS, Lao và sốt rét. Nguồn vốn của Quỹ Toàn cầu được các quốc gia đóng góp. Hiện nay, Qũy Toàn cầu là một trong những nguồn tài chính đáng kể và ổn định cho các nước đang phát triển trong việc hạn chế ảnh hưởng gây ra do AIDS, Lao và sốt rét, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc đề ra, trong đó có Việt Nam.

Với sự hỗ trợ quý báu từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Toàn cầu cùng với cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, kể từ năm 2003 cho tới nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 256 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, tổng tiền hỗ trợ cho HIV/AIDS, Lao, sốt rét tại Việt Nam là hơn 600 triệu USD. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện mục tiêu 95-95-95 của Liên Hợp Quốc. Với mục tiêu này, hiện nay Việt Nam đã đạt được 84-79-96, số mới nhiễm HIV và tử vong do HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong 10 năm qua. Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.

Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, bên cạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS còn hỗ trợ cho chương trình Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam 12,6 triệu đô la mỹ cho phòng, chống COVID-19 với mục tiêu "Nâng cao năng lực ứng phó COVID-19 và giảm thiểu ảnh hưởng của COVID đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS".

Trong giai đoạn 2024-2026, Việt Nam chú trọng các hoạt động can thiệp dự phòng, xét nghiệm chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV đến nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS và loại bỏ các rào cản, bảo đảm quyền của các nhóm đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách thuận lợi, công bằng và hiệu quả…

Nguồn: tiengchuong.vn