Skip to main content
Ban biên tập | 1 November 2021

Với sự phát triển của y học, người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn và điều trị rất tốt. Đời sống và sức khỏe người nhiễm từ đó được cải thiện nhiều. Đặc biệt, người nhiễm HIV vẫn có cuộc sống tình dục an toàn nếu áp dụng đúng các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho bạn tình hoặc vợ/chồng của mình và sử dụng thuốc ARV.

Quản lý và hướng dẫn chu đáo

Tính riêng đến ngày 30/6, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở Khánh Hòa là 2.600 trường hợp. Trong tổng số đó, có 1.323 trường hợp đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Người nhiễm HIV ở địa phương được quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị chu đáo.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao và đã đạt được một số kết quả. Trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt việc phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai mạnh mẽ, thay đổi nhận thức của hàng loạt đối tượng nguy cơ. Người không may nhiễm đã biết cách bảo vệ tránh lây nhiễm cho người thân, nhất là thông qua đường tình dục.

Theo các nghiên cứu thì việc lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục là do trong khi giao hợp tạo ra rất nhiều vết xước nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. HIV có rất nhiều trong tinh dịch và dịch âm đạo sẽ thông qua các vết xước này để đột nhập vào cơ thể. Những kiểu giao hợp gây nhiều xây xước (qua đường hậu môn) sẽ rất dễ bị nhiễm HIV. Đối với người mắc bệnh lây qua đường tình dục mạn tính có viêm loét như: Giang mai, lậu...sẽ có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn nhiều so với người bình thường khác. Việc quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều bạn tình, không có biện pháp bảo vệ an toàn cũng dẫn đến dễ lây nhiễm HIV vì người nhiễm HIV ở giai đoạn đầu không có biểu hiện gì khác người bình thường. Tần suất lây HIV qua một lần giao hợp là 0,1 - 1%.

Biểu hiện của HIV/AIDS thường thông qua các giai đoạn: Giai đoạn cấp tính là giai đoạn đầu của HIV, người bệnh có thể gặp các triệu chứng giống như cảm cúm, có thể là sốt nhẹ. Đây là thời điểm vi rút di chuyển vào trong máu và bắt đầu nhân rộng với số lượng lớn. Các hiện tượng viêm, sưng chính là phản ứng của hệ miễn dịch. Nhưng không phải ai nhiễm HIV cũng xuất hiện những triệu chứng này. Vậy nên không nên chủ quan. Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn "cửa sổ". Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn không có triệu chứng. Ở giai đoạn này, người sống chung với HIV có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào. Lúc này bạch cầu chỉ bị tiêu diệt một số lượng nhỏ không đáng kể…Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn có triệu chứng nhẹ. Giai đoạn này người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: Sút cân nhẹ, loét miệng, phát ban sẩn ngứa…Đây còn gọi là giai đoạn cận AIDS. Giai đoạn cuối là giai đoạn tiến triển nặng. Giai đoạn này còn gọi là AIDS. Đây là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV làm rối loạn hệ miễn dịch. Các hệ thống miễn dịch bị phá vỡ. Việc chăm sóc, điều trị khó khăn.

Để phòng chống lây truyền HIV qua đường tình dục, chúng ta phải thực hiện lối sống lành mạnh. Tốt nhất nên quan hệ thủy chung một vợ một chồng. Áp dụng các biện pháp an toàn trong khi quan hệ như sử dụng bao cao su. Việc sử dụng bao cao su phải được áp dụng trong suốt qua trình quan hệ, không bỏ ra giữa chừng. Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ trước và sau mỗi lần quan hệ. Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời. Thường xuyên tiếp cận các kiến thức quan hệ tình dục an toàn. Khi quan hệ với đối tượng nguy cơ nên đi xét nghiệm để được tư vấn ngay.

Hiệu quả từ thuốc ARV

Trong quá trình tiếp cận và điều trị bằng thuốc ARV cho nhiều người nhiễm HIV cho thấy có kết quả rất khả quan. Trong thời gian qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các TTYT huyện, thị xã, Thành phố và các đơn vị liên quan theo chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Sở Y tế Khánh Hòa về việc hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP).

Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Qua khảo sát cho thấy, thuốc ARV được người nhiễm HIV/AIDS sử dụng rất hiệu quả. Chúng tôi còn áp dụng tư vấn, hướng dẫn bằng nhiều hình thức nên người bệnh có băn khoăn nào cũng được giải đáp ngay. Mỗi người nhiễm HIV tuân thủ điều trị tốt chính là duy trì sức khỏe cho chính mình. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang điều trị ngoại trú ARV cho hơn 800 bệnh nhân HIV/AIDS.

Điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV khiến vi rút khó nhân lên và lây lan trong cơ thể người bệnh. Đồng thời làm giảm tải lượng vi rút HIV đến mức không phát hiện được bằng xét nghiệm. Khi đó có rất ít nguy cơ truyền HIV cho người khác. Tuy nhiên vẫn phải áp dụng biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Nhiễm HIV đã nhiều năm nay lại ở trong khu cách ly y tế thuộc Vĩnh Phước (Nha Trang, Khánh Hòa) nên ban đầu chị T.H rất lo lắng không biết sức khỏe mình sẽ ra sao nếu không được đáp ứng thuốc kịp thời. Nhưng rồi, các lo lắng đã được xua tan khi các nhân viên y tế tư vấn tận tình, thuốc chuyển đến nhanh chóng qua đường bưu điện. Sử dụng thuốc ARV đều đặn, không đứt quảng cộng với tinh thần lạc quan nên chị H cảm thấy ổn định hơn, tải lượng vi rút cũng được kiểm soát.

Hàng trăm bệnh nhân HIV/AIDS khác còn nhận được thuốc ARV đầy đủ thông qua mạng lưới đồng đẳng viên. Đại diện nhóm đồng đẳng Bồ Công Anh ở Nha Trang chia sẻ: Để củng cố tinh thần cho người nhiễm HIV, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ nhận thuốc cho bệnh nhân. Được hướng dẫn của các y bác sĩ, chúng tôi tổ chức tư vấn cho bệnh nhân thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook và các hình thức trực tuyến. Vậy nên người bệnh không còn e ngại nữa sẵn sàng chia sẻ về bệnh tình và quá trình điều trị của mình. Hầu hết dùng thuốc ARV đều có hiệu quả tốt.

Chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục - Ảnh 2.

Với người tiêm chích ma túy hay quan hệ tình dục bừa bãi hãy đi xét nghiệm HIV sớm để có biện pháp điều trị

BS Tôn Thất Toàn khẳng định: Cắt quảng điều trị ARV sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vậy nên chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để cung cấp thuốc đến cho người bệnh. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm rất nhiều. Như vậy, điều trị đều đặn, người bệnh sẽ có thể trạng như đã khỏe mạnh giống như người không bị nhiễm HIV. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Trong thời gian tới, ngành Y tế địa phương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tập trung vào các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại; xét nghiệm và giám sát dịch để nắm chắc và có phương pháp tư vấn, kiểm soát tốt nhất.  

Nhiều bệnh nhân nhiễm HIV ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết: Điều trị bằng thuốc ARV thấy sức khỏe được bảo đảm hơn. Khi có thắc mắc còn tư vấn kỹ càng. Kể cả các biện pháp tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng nữa. Bởi vậy nên cuộc sống diễn ra bình thường, không còn mặc cảm. Ngay cả các giao tiếp với cộng đồng người nhiễm HIV cũng không còn ngại ngùng hay tự ti vì đã thấu hiểu các biện pháp bảo vệ và có thuốc ARV.

Nguồn: suckhoedoisong.vn