Skip to main content
Ban biên tập | 9 August 2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, song hoạt động của tội phạm mua bán người không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới. Phóng viên Báo Biên phòng có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP về vấn đề này.

Đại tá Phạm Long Biên. Ảnh: Lê Đồng

- Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới đang hết sức gian nan. Đồng chí cho biết cụ thể hơn về những thách thức đặt ra?

- Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Các đường dây tội phạm hoạt động được tổ chức rất chặt chẽ, các đối tượng cầm đầu thường ở sâu trong nội địa hoặc ở nước ngoài, nên việc phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các đối tượng bị BĐBP phát hiện, bắt giữ chủ yếu là những "mắt xích" trong đường dây tội phạm.

Trong khi đó, vào giai đoạn “tuyển mộ”, “chứa chấp”, nạn nhân thường chưa nhận thức được hành vi mình sẽ bị bán nên thường đồng thuận với đối tượng. Hành vi “nhận tiền, lợi ích vật chất khác” hoặc để “bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động...” thường xảy ra ở nước ngoài, nên rất khó khăn cho việc thu thập chứng cứ đấu tranh. Đa số nạn nhân không dám khai báo, tố giác tội phạm, do sợ bị trả thù, mặc cảm, tự ti, sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của gia đình và tương lai bản thân. Đáng lo ngại là nhiều đối tượng trước đây từng là nạn nhân bị lừa gạt, nên đã “học” được phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của bọn tội phạm và có tư tưởng “hận đời” hoặc “mờ mắt vì tiền” nên đã trở thành tội phạm khi có điều kiện.

- Trong 6 tháng đầu năm 2021, BĐBP đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án, giải cứu hàng chục nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đề nghị đồng chí cho biết thêm một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm buôn người; kinh nghiệm của BĐBP trong đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này?

- Hiện nay, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, các đối tượng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Wechat...) tạo tài khoản ảo, lập ra các hội, nhóm như: “cho, nhận con nuôi”, “tìm dâu cho người Trung Quốc”, “lao động lương cao”... để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân ra nước ngoài bán. Cá biệt, có vụ đối tượng còn cho nạn nhân sử dụng ma túy, sau đó khống chế, ép buộc lao động lên các tàu khai thác hải sản trên biển. Qua nghiên cứu và trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này, chúng tôi nhận thấy, chủ yếu các đối tượng sử dụng thủ đoạn “lừa gạt”, sau đó “khống chế” nên khi nạn nhân phát hiện bị lừa đã ở trong tình trạng khó trốn thoát.

Tại các tỉnh phía Nam, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng môi giới, tìm việc làm cho thanh niên ở các vùng trong nội địa, sau khi thỏa thuận xong, chúng đưa nạn nhân xuống các xã ven biển, ép viết giấy vay nợ tiền và bán cho các chủ tàu cá bóc lột sức lao động trên biển. Đáng chú ý, từ cuối năm 2020 đến nay, các đối tượng còn lừa gạt, ép buộc phụ nữ và cả nam thanh niên sang Campuchia nhằm bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động.

Do vậy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong 6 tháng đầu năm 2021 của BĐBP đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các đơn vị BĐBP đã xác lập, đấu tranh thành công 6 chuyên án, bắt giữ, xử lý 21 vụ với 18 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ 34 nạn nhân.

Qua đấu tranh thành công với các chuyên án, vụ án, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: Về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, phải bám sát, thực hiện nghiêm các nội dung, biện pháp và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu của cấp trên. Cùng với đó, chỉ huy các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức phát hiện, điều tra tội phạm mua bán người.

Lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phải chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt giữa các biện pháp nghiệp vụ truyền thống và các kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với khoa học, công nghệ mới; chủ động mở rộng nắm tình hình, phát hiện, phối hợp đấu tranh, triệt phá. Tấn công, triệt phá các loại tội phạm “nguồn” của tội phạm mua bán người như: Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, tổ chức hoạt động mại dâm, mua bán nội tạng, mang thai hộ vì mục đích thương mại... nhằm phát hiện từ sớm, giải cứu nạn nhân trước khi họ bị mua bán.

3 đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh bị lực lượng đặc nhiệm của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP bắt ngày 19-3-2021. Ảnh: Ban Chuyên án cung cấp

- Thời gian qua, công tác phối hợp với các lực lượng chức năng và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

- Công tác phối hợp với lực lượng chức năng trong nước về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người luôn được BĐBP chú trọng, ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả. Phòng, chống mua bán người đã tham mưu cho Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP ký kế hoạch phối hợp với các lực lượng, ban, ngành để trao đổi thông tin, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người và chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán...

Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP tăng cường phối hợp, hợp tác với lực lượng chức năng các nước láng giềng trong trao đổi thông tin tội phạm, phối hợp giải cứu, tiếp nhận nạn nhân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới. Công tác tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người, tọa đàm, tổ chức truyền thông về phòng, chống tội phạm mua bán người và di cư an toàn tại cộng đồng cũng đạt hiệu quả cao.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn: bienphong.com.vn