Skip to main content
Ban biên tập | 7 August 2018

          Từ tháng 6/2017 đến nay, tại Việt Nam xảy ra 52.522 vụ phạm pháp hình sự, đã điều tra khám phá 41.519 vụ, bắt 84.041 đối tượng. Đáng chú ý là tội phạm mua bán phụ nữ, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, cả về tính chất và số vụ việc, chủ yếu là bán ra nước ngoài (chiếm khoảng trên 80%), gồm các nước: Trung Quốc (trên 70%), Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Lào... 

          Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng người Việt Nam đã câu kết với đối tượng người Việt Nam sống tại Lào, lợi dụng địa bàn Lào trung chuyển nạn nhân là phụ nữ, trẻ em Việt Nam đưa sang các nước như Thái Lan, Singapore…để ép làm vợ bất hợp pháp hoặc hoạt động mại dâm.

          Với chính sách mở cửa và hội nhập, Việt Nam và Lào là đối tác đặc biệt, với các huyết mạch như đường xuyên Á nối từ tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) qua cửa khẩu Lao Bảo sang Lào, Thái Lan và đi các nước Đông Nam Á khác; tuyến đường 7 qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn- Nghệ An; tuyến đường 8 qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh sang Lào... Do đó biên giới hai nước thường xuyên thu hút một lượng khách rất lớn qua lại để du lịch, làm ăn kinh tế, buôn bán, vận chuyển, trao đổi hàng hoá, từ đó phát sinh nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, phức tạp dọc tuyến biên giới.

          Bên cạnh sự phát triển kinh tế, xã hội cũng kéo theo các hoạt động của bọn tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, nhất là buôn bán người, buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, cướp tài sản, trộm cắp tài sản… Thông thường số đối tượng là người Việt Nam lợi dụng trong việc cấp giấy thông hành, sơ hở trong trong quản lý cư trú, theo dõi phát hiện người qua lại bất hợp pháp qua biên giới giữa hai nước, bọn tội phạm đã lợi dụng thâm nhập gây ra các vụ phạm pháp hình sự, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương tại Lào.

          Tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, cùng những thách thức từ tình hình tội phạm xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác ngày càng lớn và khó khăn, đòi hỏi Việt Nam và Lào cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện có hiệu quả kế hoạch hợp tác về phòng, chống các loại tội phạm, nhưng hiện nay chúng ta mới tập trung vào vấn đề phòng, chống tội phạm mua bán người là chủ yếu.

          Theo thống kê của 10 địa phương biên giới giáp Lào, từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/11/2017, xảy ra 89 vụ, 164 đối tượng, lừa bán 143 nạn nhân, trong đó phát hiện 32 đối tượng phạm tội mua bán người hoạt động trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, 823 người di cư trái phép sang Lào.

          Nhằm phòng ngừa tình hình phòng, chống mua bán người ở khu vực biên giới giáp Lào, các tỉnh giáp biên giới với Lào đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng về phòng, chống mua bán người, nổi bật như: Hội phụ nữ 10 tỉnh biên giới phối hợp với lực lượng chức năng của Lào tổ chức truyền thông tại cộng đồng cho đồng bào dân tộc về di cư an toàn, nâng cao cảnh giác, ký cam kết không xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động thời vụ; phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, đối thoại, tư vấn việc làm, hỗ trợ các thông tin về hôn nhân với người nước ngoài, xuất khẩu lao động, chính sách về phòng, chống mua bán người, di cư lao động an toàn tại các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh.

          Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Trị cùng với Ủy ban Phát triển Phụ nữ tỉnh Mục Đa Hãn (Thái Lan) và Hội phụ nữ các tỉnh Savanakhet, Salavan, Khăm Muộn (Lào) đã ký biên bản ghi nhớ về kế hoạch hành động chung phòng, chống tội phạm mua bán người với nội dung chủ yếu là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tội phạm mua bán người, hỗ trợ nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng và tăng cường phối hợp phòng, chống mua bán người.

          Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh giáp Lào phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương và các lực lượng chức năng của Lào tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, điển hình như: Tổ chức 24 buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ, dựng 534 panoo, áp phích, phát 1,8 nghìn tời rơi liên quan đến phòng, chống mua bán người. BĐBP tỉnh Nghệ An phối hợp với đoàn thể các huyện biên giới giáp Lào tổ chức 28 buổi họp dân tại 20 bản người Mông với gần 5000 lượt người tham gia; 15 đợt tuyên truyền cho hơn 1,5 nghìn lượt người, tin trên 2000 tờ rơi phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người. Ngoài công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống mua bán người, lực lượng chức năng của hai nước đã đã tích cực phối hợp trao đổi thông tin, hợp tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người, xác minh, tiếp nhận và giải cứu nạn nhân.

          Công an các địa phương, Đồn Biên phòng các tỉnh có chung đường biên giới với Lào áp dụng, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra cơ bản, tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép qua biên giới nói riêng, trong đó, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng của Lào thành lập 10 đoàn công tác với 38 lượt cán bộ, chiến sĩ tiến hành khảo sát tình hình mua bán người tại khu vực biên giới và ngoại biên, đã trao đổi 280 tin có liên quan đến mua bán người.

          Lực lượng Cảnh sát Hình sự, Bộ đội biên phòng 10 địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp với với lực lượng chức năng Lào triển khai các cao điểm tấn công tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, trong đó có tuyến Việt Nam-Lào.

          Để công tác phối hợp phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hai bên cần tăng cường trao đổi thông tin tội phạm; hợp tác điều tra tội phạm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh sát hai nước trong việc phối hợp truy bắt, trao trả, dẫn độ tội phạm phục vụ cho công tác truy tố xét xử của mỗi nước; phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự giữa các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước; hợp tác đào tạo và trao đổi kinh nghiệm phòng, chống tội phạm; hợp tác hỗ trợ vật tư, tư vấn kỹ thuật và một số vấn đề liên quan khác  nhằm bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam-Lào thành biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

          Thiết lập cơ chế giao ban hình sự về công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm vì hiện nay một số loại tội như giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản…diễn ra rất phức tạp. Ngoài ra, vấn đề người Việt Nam vi phạm pháp luật tại Lào bị bắt, giam giữ có nhiều nhưng chưa được phối hợp giải quyết…

          Đối với công tác hợp tác phòng chống tội phạm mua bán người: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Hiệp định song phương Việt Nam - Lào về phòng chống mua bán người. Cần duy trì cơ chế hợp tác thường xuyên, chặt chẽ giữa các Bộ, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo và phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng của các địa phương đối đẳng giáp biên giới giữa hai nước.

          Cơ quan điều tra phòng, chống tội phạm mua bán người hai nước tiếp tục tập trung điều tra và điều tra mở rộng, giải quyết các đầu mối, đơn thư tố giác tội phạm, kịp thời giải cứu nạn nhân, truy bắt các đối tượng để xử lý. Phối hợp với lực lượng Biên phòng tại các tỉnh giáp biên giới Lào, Công an các cửa khẩu tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ để hạn chế tình hình người Việt Nam qua Lào phạm tội và người Lào nhập cảnh vào Việt Nam phạm tội.

          Cần hoàn thiện, bổ sung hướng dẫn, tập huấn các quy định cụ thể về người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, các quy định pháp lý, Thông tư hướng dẫn liên ngành, các Hiệp định mà Việt Nam ký kết với Lào trong lĩnh vực an ninh trật tự cho Công an các địa phương.

Nguồn: tiengchuong.vn