Skip to main content
Ban biên tập | 10 August 2021

Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy di cư an toàn, phòng, chống mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng...

Người lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ di cư lao động quốc tế ngày càng tăng, đóng góp phát triển kinh tế đất nước, với lượng kiều hối 2,5 tỷ mỗi năm. Thúc đẩy di cư an toàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng luôn được Việt Nam quan tâm, nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ và nâng cao năng lực của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế thấp nhất các nguy cơ bị lao động cưỡng bức, bị xâm hại; nhất là việc bảo đảm di cư an toàn, minh bạch, phòng, chống mua bán người, đưa người lao động đi làm việc trái phép, không chính thức…

Để hiện thực hóa các mục tiêu, cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trong đó có các điều ước về lao động, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện thống pháp luật và thực hiện các khuyến nghị quốc tế về bảo đảm quyền con người, trong đó có sự đồng hành của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Người lao động theo Đề án xuất khẩu lao động tham gia các lớp đào tạo ngoại ngữ. (Nguồn: TTXVN)

Lớp học tiếng Nhật của người lao động theo Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025. (Nguồn: TTXVN)

 

Hành trình vẫn còn nhiều gian nan

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), hiện nay Việt Nam có khoảng 540.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, phụ nữ chiếm 30%-50%. Tuy nhiên, theo bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện ISDS, còn một số lượng đáng kể những người lao động không chính thức chưa được thống kê.

Lao động di cư quốc tế là một hành trình nhọc nhằn, vất vả. Hơn một nửa lao động gặp khó khan và những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc ở nước ngoài như: bị vi phạm quyền: 40%; điều kiện làm việc không an toàn: 17%; các vấn đề về lương: 28.2%.

Đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, con số thống kê cho thấy mục đích chủ yếu là kiếm thu nhập phục vụ cho việc trả nợ (35%), trang trải cuộc sống gia đình (45,2%), xây, sửa nhà cửa (36,2%). Lao động nữ thường làm giúp việc gia đình, công việc trong nhà máy, lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn nam giới.

Về vấn đề này, bà Valentina Barcucci - Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam - trong Hội thảo trực tuyến về tăng cường vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng mới diễn ra tại Hà Nội cho rằng, lao động di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới trong tiến trình di cư.

Họ chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Các cơ quan truyền thông báo chí cần tham gia tích cực hơn và có trách nhiệm hơn trong việc chấm dứt bạo lực đối với lao động nữ di cư.

Trong giai đoạn giai đoạn từ năm 2014-2019, mỗi năm Việt Nam có trên 100.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hàng chục nghìn người du học, kết hôn với người nước ngoài.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, từ năm 2020 đến nay, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã giảm một nửa, một số thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc giảm đáng kể, thậm chí ở một số thị trường Trung Đông đã dừng hẳn tiếp nhận lao động như UAE, Saudia Arabia, Libya, Israel, Algeria và Malaysia, Macao.

Sáu tháng đầu năm 2021, có hơn 40 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó lao động nữ là 14.859 người). Riêng trong tháng 6, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh do hai thị trường chủ yếu tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam dừng nhập cảnh đối với lao động nước ngoài, trong đó lao động Việt Nam (Nhật Bản dừng từ 15/1/2021, Đài Loan dừng từ 19/5/2021 và thông báo tiếp tục tạm dừng nhập cảnh cho đến hết 12/7/2021).

Những số liệu lao động di cư chính thức mới nhất theo Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho thấy dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp, toàn diện đến việc làm và thị trường lao động di cư quốc tế. Nhiều lao động đã được đào tạo phải mất công chờ đợi và tăng chi phí cơ hội trong thời gian dịch bệnh để chờ khi dịch bệnh được khống chế và các nước khôi phục lại hoạt động tiếp nhận lao động.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian đại dịch, số lượng người di cư theo các kênh chính thống giảm. Trong khi đó, tình trạng di cư trái phép vẫn diễn biến phức tạp mặc dù kiểm soát biên giới và các biện pháp hạn chế nhập cảnh đã được tăng cường.

Các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09-2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống mua bán người (Nghị định số 09-2013/NĐ-CP), tháng 10/2020 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

 

Việt Nam nỗ lực phòng, chống mua bán phụ nữ, thúc đẩy di cư an toàn

Câu chuyện đau lòng về 39 người Việt tử nạn trên xe container từ Bỉ sang Anh hồi tháng 10/2019 đã dẫn tới cuộc điều tra giết người lớn nhất trong lịch sử cảnh sát hạt Essex ở Anh. Những đường dây mua bán người, đưa người bất hợp pháp sang các nước châu Âu vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để ngăn ngừa các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở châu Âu không đúng quy định của pháp luật; minh bạch thông tin về doanh nghiệp, về hợp đồng để thu hút nhiều lao động đi làm việc ở châu Âu theo tổ chức một cách an toàn và phù hợp với quy định pháp luật.

Bộ Công an đang tiếp tục triển khai dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ hiện đại: Tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” tại 5 địa phương trên cả nước do Vương quốc Anh tài trợ thông qua Tổ chức Di cư quốc tế, Hội đồng Anh, Tổ chức Tầm nhìn thế giới.

Chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là đảm bảo di cư hợp pháp, an toàn và thường xuyên; phòng, chống di cư bất hợp pháp; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong suốt quá trình di cư.

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nạn mua bán người. Tiêu biểu là Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 (ban hành ngày 31/12/2015) với mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Từ năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt ngày 30/7 là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vào 13/12/2016, tham gia Kế hoạch hành động Bohol về chống mua bán người (2017-2020), tích cực tham gia vào Tiến trình Bali và Tiến trình COMMIT về phòng chống đưa người di cư trái phép qua biên giới. Bên cạnh đó, Việt Nam ký thỏa thuận song phương với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào trong phòng chống mua bán người xuyên biên giới.

Tiếp tục thúc đẩy việc thăm dò, tìm hiểu, đàm phán để tiến đến ký kết các hiệp định, thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước có tiềm năng tiếp nhận lao động Việt Nam (Romania, Đức,...); nghiên cứu khả năng gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Chiều 20/4/2021, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn trực tuyến đối thoại cấp cao về lao động di cư kết hợp Lễ ra mắt “Nghiên cứu So sánh về Quản lý Lao động Di cư trong ASEAN”. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn trực tuyến đối thoại cấp cao về lao động di cư kết hợp Lễ ra mắt “Nghiên cứu So sánh về Quản lý Lao động Di cư trong ASEAN”, ngày 20/4/2021 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội ban hành tháng 11/2020 (Luật số 69/2020/QH-14).

Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài và giảm nghèo thông tin cho các vùng khó khăn để người lao động có thể tiếp cận được thông tin về việc làm ngoài nước một cách chính thống và nỗ lực vươn lên đạt các tiêu chuẩn đi làm việc ở nước ngoài, cải thiện đời sống.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cùng với nỗ lực của các chính phủ, công tác truyền thông, cả nội dung đưa tin và cách thức đưa tin về di cư thực sự quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi phương tiện thông tin truyền thống và truyền thông xã hội ngày càng phổ biến trong cuộc sống.

Theo các chuyên gia ILO và UN Women, cần nhạy cảm giới khi truyền thông về phụ nữ di cư. Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức của công chúng và điều này có thể ảnh hưởng đến việc hình thành các chính sách cũng như các quy định bảo vệ quyền và cung cấp dịch vụ đối với người di cư, để những hành trình di cư bớt gian nan.

Nguồn: baoquocte.vn