Skip to main content
Ban biên tập | 7 December 2020

Để chiếc xe thêm phần độc, lạ, gây sự chú ý trên đường, nhiều chủ xe đã “độ” (lắp) thêm các loại còi phát ra tiếng kêu lớn khiến người đi đường giật mình. Thú chơi này vi phạm Luật Giao thông đường bộ và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, chỉ riêng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có gần 10 cửa hàng buôn bán các loại phụ kiện, đồ chơi xe ô tô, trong đó có cả việc “độ” các loại còi có tiếng kêu lạ thường. Khách hàng muốn lắp thêm còi cho phương tiện chỉ cần bỏ ra từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng là có thể dễ dàng trang bị cho xe của mình chiếc còi xe với với đủ loại âm thanh, từ nhái theo tiếng còi của xe cứu thương hay xe cảnh sát, cho đến những âm thanh quái dị như mô phỏng tiếng động vật kêu…

Tại một cửa hàng bán phụ kiện và trang trí cho xe máy, xe ô tô trên đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn, khi nghe chúng tôi hỏi mua còi xe, anh Nguyễn Q, chủ cửa hàng giới thiệu: Hiện nay, còi nhái tiếng còi hụ của xe cảnh sát đang được sử dụng nhiều với giá chỉ 400.000 đồng/chiếc. Muốn qua mắt khi đi đăng kiểm xe định kỳ chỉ cần tháo ra, lắp còi xe nguyên bản vào là được. Nếu lắp trọn bộ có cả công tắc điều khiển, giá khoảng 500.000 đồng.

http://baolangson.vn/uploads/2020/09/07/2-3.jpg

Đăng kiểm viên Công ty Cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Lạng Sơn kiểm tra các hạng mục âm thanh, chiếu sáng của xe

Việc xe máy, ô tô bị thay đổi còi xe khi tham gia giao thông và sử dụng còi xe với âm thanh “khủng”, quái dị tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao và đang trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người đi đường. Tuy thời gian qua, các cơ quan chức năng  chưa có thống kê về các vụ tai nạn giao thông  liên quan đến việc sử dụng còi xe quá to, nhưng thực tế đã có không ít người tham gia giao thông vì giật mình phanh gấp hoặc đánh lái và ngã xuống đường vì tiếng còi chát chúa của phương tiện đi bên cạnh hoặc phía sau.

Chị Hoàng Thị Đào, đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn kể: Khi tham gia giao thông, nghe thấy tiếng còi “độ” là tôi giật mình, tim đập nhanh, cuống cuồng nép hẳn sang một bên đường. Nhà tôi ở gần đường, nhiều khi nửa đêm, đang ngủ tôi cũng nghe thấy nhiều người chạy xe máy, ô tô bấm còi “độ”, rú ga, đến nỗi thành ám ảnh. Tôi mong các cơ quan chức năng xử lý triệt để những trường hợp như vậy.

Đại úy Dương Hoàng Anh, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền và xử lý – Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Luật Giao thông đường bộ quy định chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hành vi tự ý “độ” còi ô tô, xe máy để tăng tiếng vang, gây sự chú ý với người khác là vi phạm, có thể tiềm ẩn tai nạn khó lường vì tiếng còi to làm cho người tham gia giao thông giật mình, mất phương hướng, dẫn đến không làm chủ được phương tiện, dễ gây tai nạn. Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý gần 300 trường hợp tự ý thay đổi kết cấu xe, trong đó có cả việc lắp còi xe không đúng với nguyên bản xe…

Liên quan đến vấn đề trên, ông Triệu Hoàng Sơn, đăng kiểm viên Công ty Cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Lạng Sơn cho biết: Trước khi đưa xe vào kiểm định, nếu phát hiện trường hợp “độ” thêm còi xe, hoặc có hành vi thay đổi kết cấu nguyên bản của xe, đăng kiểm viên sẽ kiên quyết từ chối đăng kiểm cho xe đó. Đồng thời yêu cầu chủ phương tiện khôi phục nguyên trạng của xe thì mới tiến hành đăng kiểm.

Cũng theo ông Sơn, để “độ” thêm các thiết bị như: còi, đèn… người sử dụng phương tiện có thể phải thay đổi một vài bộ phận, kết cấu bên trong xe, lắp thêm đường điện… Khi chủ xe tự ý thay đổi, nguồn điện trong xe không tương thích rất dễ dẫn đến chạm, chập, gây nguy cơ cháy nổ.

Có thể thấy rằng, chiếc còi xe dù nhỏ nhưng sử dụng nó như thế nào không phải là chuyện nhỏ. “Độ” còi xe, bấm còi xe ầm ĩ khi tham gia giao thông…là những hành vi cần xử lý nghiêm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và hình thành văn hoá giao thông.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính, quy tắc giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng; đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng về hành vi “bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định…

Nguồn: baolangson.vn