Skip to main content
Ban biên tập | 17 November 2020

     Ngày 24⁄9, tại Lào Cai, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV⁄AIDS”. Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo còn có gần 100 đại biểu đến từ Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Nam Định.

Các đại biểu dự hội thảo thống nhất cao về việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Phòng, chống HIV/AIDS nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy và HIV/AIDS; việc sửa đổi, bổ sung các luật này là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống ma túy và HIV/AIDS.

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), liên quan đến công tác cai nghiện ma túy, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, một số khái niệm liên quan đến công tác cai nghiện quy định trong dự thảo Luật chưa thật chính xác, không đầy đủ dẫn đến cách hiểu và thực hiện không thống nhất, cần xem xét sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, việc xác định người nghiện ma túy là một trong các nội dung khó khăn, vướng mắc nhất trong việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc hiện nay. Các quy định của pháp luật hiện hành về xác định nghiện ma túy không khả thi ở cả góc độ đối tượng, thẩm quyền, điều kiện, tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình xác định nghiện.

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Khánh đề nghị bổ sung một điều về xác định người nghiện ma túy; quy định cụ thể về đối tượng cần xác định; thẩm quyền xác định nghiện ma túy, hồ sơ, thủ tục đề nghị xác định người nghiện ma túy; tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện, điều kiện của cơ sở xác định nghiện và quy trình xác định nghiện.

Theo đại diện UNAIDS Việt Nam, cần Luật hóa quan điểm đã được quốc tế và trong nước công nhận, rằng tình trạng lệ thuộc vào ma túy là một vấn đề sức khỏe và người lệ thuộc vào ma túy là người mắc bệnh mãn tính về não bộ, cần được điều trị lâu dài với các can thiệp toàn diện bao gồm chăm sóc sức khỏe, tâm lý, hành vi và hỗ trợ xã hội. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống ma túy ma túy sửa đổi để quy định cả dự phòng và điều trị rối loạn do sử dụng ma túy…

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, các đại biểu thống nhất đề xuất sửa đổi, trong trường hợp không thể bãi bỏ, cho phép người dưới 15 tuổi nhưng đang mang thai hoặc có hành vi khiến người đó có nguy cơ lây nhiễm HIV được quyền tham gia tư vấn, xét nghiệm HIV với sự trợ giúp của một cán bộ y tế hoặc một cán bộ công tác xã hội đã qua đào tạo chuyên môn. Việc đề xuất sửa đổi này được đưa ra trên cơ sở khuyến nghị từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đảm bảo quyền của người nhiễm HIV; khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức dân sự và người nhiễm HIV trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hướng đến chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hòa Bình, Hải Phòng, Yên Bái đề xuất Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết chung về công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong tình hình mới để có cơ sở giải quyết bất cập, tồn tại trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong ghi nhận những ý kiến góp ý có giá trị lý luận và thực tiễn của các đại biểu - đây là cơ sở quan trọng giúp cho Ủy ban thẩm tra các dự án luật nêu trên./.

Nguồn: pctnxh.molisa.gov.vn