Skip to main content
Ban biên tập | 21 October 2020

           Với tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp, chị Hoàng Thị Mạch, sinh năm 1975, thôn Sơn Chủ, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc đã nỗ lực vượt khó vươn lên, trở thành điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

          Những năm trước đây, gia đình chị Mạch chủ yếu làm ruộng nên đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, không đủ trang trải cho cuộc sống. Chị Mạch chia sẻ: Với quyết tâm vươn lên, tôi đã tham khảo mô hình chế biến gỗ của một người bạn để mong sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tôi đã dành thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm tại các xưởng chế biến gỗ ở nhiều nơi.

Chị Hoàng Thị Mạch kiểm tra chất lượng ván bóc tại xưởng chế biến gỗ

          Năm 2016, nhận thấy việc phát triển nghề chế biến lâm sản tại địa phương có tiềm năng rất lớn, chị đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn vay vốn từ họ hàng để đầu tư mua máy móc, làm nhà xưởng, thuê lao động tại địa phương để mở xưởng chế biến gỗ. Thời gian đầu mới bắt tay vào làm, gia đình chị gặp rất nhiều trở ngại do thiếu kinh nghiệm trong quản lý, tay nghề nhân công chưa vững, đầu ra chưa ổn định…

          Chị Mạch cho biết thêm: Để tạo được uy tín với khách hàng, khi thực hiện mỗi lô hàng, tôi đều cẩn thận chọn lọc kỹ chất lượng gỗ đầu vào và hướng dẫn tỉ mỉ cho công nhân bóc, xẻ đúng tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật… Nhờ vậy, đầu ra của sản phẩm đã ổn định hơn.

          Từ lúc xưởng chế biến gỗ đi vào hoạt động, chị đã thu mua gỗ từ rừng trồng, rừng hỗ trợ sản xuất đã đến thời kỳ thu hoạch trên địa bàn xã và khu vực lân cận. Qua đó, góp phần tiêu thụ được rừng trồng cho bà con. Trung bình sau khi trừ chi phí, mô hình đã đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Đặc biệt, xưởng chế biến gỗ đã tạo việc làm cho 15 lao động trong xã Tân Thành với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Đặng Văn Hiển, thôn Bản Cắm, xã Tân Thành cho biết: Tôi làm việc ở đây từ những ngày đầu xưởng mới hoạt động. Với mức lương 5 đến 6 triệu đồng/tháng đã giúp tôi cải thiện cuộc sống, hơn nữa lại không cần đi xa, có thể tranh thủ phụ giúp gia đình sau những giờ làm việc tại xưởng nên tôi và các anh em khác đều rất phấn khởi và yên tâm lao động.

          Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chế biến gỗ nên đầu năm 2020, thông qua Hội Nông dân xã, chị Mạch đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, xưởng chế biến gỗ của gia đình chị có quy mô trên 2.000 m2 với 1 máy xẻ, 1 máy bóc công suất lớn và 2 ô tô  chở hàng.

          Bà Lăng Thị Lem, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành cho biết: Chị Mạch không những là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: ủng hộ các phong trào hoạt động của hội, các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

          Với sự phấn đấu vươn lên đó, tháng 10/2020, chị Mạch đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Nguồn: baolangson.vn