Skip to main content
Ban biên tập | 20 October 2020

       Với hiệu quả thực hiện dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus 26 tỉnh, thành phố, tới đây, dịch vụ PrEP này sẽ được Bộ Y tế mở rộng ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm mang lại hiệu quả phòng chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Hiệu quả dự phòng trước phơi nhiễm

TS, BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV trong người nghiện chích ma tuý và phụ nữ mại dâm giảm nhưng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới nữ (TGW) vẫn ở mức cao, đang gia tăng, nhất ở các khu vực đô thị lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do hành vi tình dục không an toàn trong nhóm này.

Trong bối cảnh hiện chưa có vaccine để phòng ngừa, phương pháp dự phòng bằng thuốc ARV được coi là một giải pháp hữu hiệu. PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.

“PrEP là một phương án dự phòng và Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm nay. Phương pháp này tuy không thay thế được vaccine HIV nhưng là một cách đơn giản nhất, có thể giảm tới hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Vì vậy, WHO khuyến cáo PrEP nên được cung cấp bổ sung cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao trong gói dự phòng HIV kết hợp”, TS Cảnh cho biết.

Từ hiệu quả dự phòng HIV của PrEP và lợi ích dài hạn của sử dụng ARV để dự phòng cho người chưa nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM và nhóm chuyển giới nữ (TGW) trong gói dự phòng HIV kết hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thí điểm này sẽ đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam.

Bộ Y tế đã có kế hoạch mở rộng ra 26 tỉnh, thành phố và tiến tới tất cả các tỉnh, thành phố sẽ triển khai can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam.

“Các nghiên cứu đã chỉ ra PrEP có hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV nếu dùng mỗi ngày. Khi sử dụng PrEP mỗi ngày, PrEP có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hằng ngày, sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả”, TS Cảnh nói.

Đối tượng nên dùng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV

Hiện nay, Bộ Y tế hướng dẫn các đối tượng sau nên dùng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV. Cụ thể là: Nam có quan hệ tình dục đồng giới; Người chuyển giới nữ; Người bán dâm; Người tiêm chích ma túy; Bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện vi rút (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu);

Do không phải tất cả mọi người đều dùng được PrEP, nên một người muốn dùng PrEP cần phải được bác sĩ tư vấn, khám và làm xét nghiệm trước khi chỉ định dùng.

BS Cảnh cho biết, hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn… Thông thường, các phản ứng phụ này chấm dứt sau một đến hai tuần. Người dùng thuốc cần gọi điện và đến gặp bác sĩ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt của mình.

Với những người dùng PrEP trong một thời gian dài có thể gây loãng xương (rất ít gặp) hoặc ảnh hưởng đến thận, vì vậy điều quan trọng là người sử dụng PrEP cần được kiểm tra và xét nghiệm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Hiện tại thuốc PrEP đang được cung cấp tại 26 tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Trong thời gian tới, thuốc PrEP sẽ được cung cấp rộng rãi tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước.

Nguồn: nhandan.com.vn