Skip to main content
Ban biên tập | 15 October 2020

           Xác định chè là cây trồng chủ lực, thời gian qua, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập đã tập trung sản xuất chè  an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. 

          Thị trấn Nông trường Thái Bình có hơn 500 hộ dân thì có tới hơn 300 hộ trồng và sản xuất  chè với tổng diện tích gần 150 ha. Trong đó, người dân chủ yếu trồng các loại chè như: Trung du, Bát Tiên, Ô Long, Ngọc Thúy. Để nâng cao chất lượng, giá trị cây chè, từ năm 2005, người trồng chè đã chú trọng đến các khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

          Đặc biệt trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền thị trấn quan tâm tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình sản xuất chè an toàn; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích bà con áp dụng sử dụng máy hái chè, máy đốn, tỉa chè… vào sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, UBND thị trấn phối hợp với Công ty Cổ phần chè Thái Bình tổ chức được từ 10 đến 15 lớp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Người dân khu Đoàn Kết, thị trấn Nông Trường Thái Bình, huyện Đình Lập thu hái chè

          Năm 2019, thị trấn được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chọn triển khai mô hình thí điểm áp dụng quy trình VietGAP trên cây chè. Ông Vũ Hữu Trình, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Nắm bắt cơ hội đó, thị trấn đã lựa chọn 40 hộ có diện tích trồng chè lớn để thực hiện mô hình với quy mô 20 ha. Đồng thời vận động các hộ đăng ký tham gia tập huấn, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

          Ông Nguyễn Văn Vũ, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè VietGAP cho biết: Từ khi áp dụng quy trình VietGAP, chúng tôi đã sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)có nguồn gốc sinh học thay thế phân bón, thuốc BVTV hóa học. Đồng thời, thực hành ghi chép nhật ký sản xuất; thu hái chè theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo đúng thời gian, khoa học. Nhờ đó, sản phẩm có năng suất, chất lượng cao hơn so với sản xuất truyền thống.

          Tại thị trấn Nông trường Thái Bình hiện có Công ty Cổ phần chè Thái Bình, 1 cơ sở chế biến chè cùng trên 10 hộ dân chế biến chè. Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, tất cả các cơ sở chế biến đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từng bước thay thế các thiết bị thủ công bằng máy móc hiện đại như: máy tách cọng, máy tách màu, máy vò chè, máy quay, lò sấy, máy hút chân không, máy đóng túi… để áp dụng đồng bộ trong sản xuất. Ông Hà Sinh Lằm, khu Đoàn Kết, thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Từ năm 2005, tôi đầu tư máy chế biến chè. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi chế biến được từ 50 đến 100 kg chè tươi thu mua từ bà con. Nhờ gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật nên chè đạt chất lượng thơm, ngon, an toàn hơn. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 25 – 30 tấn chè khô, trừ chi phí, thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

          Từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng búp chè tươi của thị trấn ước đạt 610 tấn, mang lại doanh thu khoảng  4 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống của người dân ổn định và được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở thị trấn đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 18 triệu đồng/người/năm so với năm 2010.

          Từ những hiệu quả thiết thực đem lại, năm nay, thị trấn tiếp tục mở rộng mô hình trồng, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng tổng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ 20 ha lên 43 ha với sự tham gia của hơn 100 hộ dân; không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè Ô Long, Ngọc Thúy, Bát tiên nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Nguồn: baolangson.vn