Skip to main content
Ban biên tập | 15 September 2020

         Thực hiện tốt chính sách BHYT đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ giúp tuân thủ pháp luật mà còn giáo dục tinh thần, ý thức trách nhiệm của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước đối với cộng đồng. Trước thềm năm học mới 2020-2021, phóng viên Báo BHXH đã trao đổi với Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu về vấn đề này.

* PV: Trong các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về BHYT toàn dân, HSSV được xác định là nhóm đối tượng trọng tâm cần sớm đạt tỷ lệ tham gia 100%. Với kết quả hiện nay, chúng ta đã đạt được tiến độ đề ra chưa, thưa Phó Tổng Giám đốc?

- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu: Thời gian qua, chúng ta có nhiều thuận lợi để tiến tới hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, bởi việc thực hiện chính sách này đã được luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.

Tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đang phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT (đạt tỷ lệ hơn 92,5%) thì đến năm 2017 đã có trên 16 triệu em tham gia (đạt tỷ lệ trên 93%); đến tháng 9/2019, chúng ta đã có trên 17 triệu HSSV tham gia (đạt tỷ lệ hơn 95%), trong đó có 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.

Phải khẳng định, việc phát triển BHYT HSSV những năm qua đã có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện ở nhận thức của những người làm công tác này, từ các cấp chính quyền, cơ quan BHXH đến các toàn hệ thống giáo dục và các bậc phụ huynh. Tất cả đều ý thức sâu sắc “BHYT gắn bó thiết thực với quyền lợi HSSV”. Đặc biệt, nhận thức của bậc phụ huynh đã được nâng lên, khi chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục của các nhà trường cũng nâng cao tầm hiểu biết cho các em. Ngay từ bậc học phổ thông, các em HS đã có ý thức về thông báo cho bố mẹ về việc tham gia BHYT như một trách nhiệm chia sẻ cộng đồng. Mặt khác, tại các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên cũng có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV trong đơn vị. Trước đây, nhiều người cho rằng, nhiệm vụ này chỉ “nhân tiện” thực hiện trong những buổi họp đầu năm, còn giờ đây đã trở thành ý thức trách nhiệm của các thầy cô giáo, HSSV cũng như sự đồng tình của phụ huynh.

* Luật BHYT 2014 đã bổ sung trách nhiệm của Bộ GD-ĐT về chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ quản lý, trong đó có nhóm HSSV. Theo Phó Tổng Giám đốc, việc đề cao trách nhiệm của ngành GD-ĐT mang lại hiệu quả như thế nào đối với công tác BHYT HSSV?

- Chăm lo sức khỏe nhân dân được xác định là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Do đó, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật BHYT 2014 đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai thực hiện, trong đó có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Thực tế cho thấy, sự gia tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT khá bền vững qua các năm, và hiện tại tiệm cận với mục tiêu 100% là kết quả từ sự nỗ lực cố gắng và phối hợp của các ngành: BHXH, GD-ĐT, LĐ-TB&XH và Y tế; đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trong các trường học trên cả nước. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện BHYT HSSV cũng như hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học.

Đặc biệt, Luật BHYT 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT. Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC cũng quy định cơ sở giáo dục thu tiền đóng của HSSV để nộp vào quỹ BHYT. Các nhà trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng đúng quy định phần kinh phí được trích lại cho công tác y tế trường học. Theo sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Bộ GD-ĐT, hằng năm BHXH cấp tỉnh và cấp huyện đều chủ động ký kết chương trình phối hợp với ngành GD-ĐT cùng cấp, ban hành kế hoạch phối hợp, thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành công văn liên ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn và tổ chức sơ kết, đánh giá, đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

l Dù HSSV là nhóm bắt buộc tham gia BHYT từ 1/1/2010 (theo quy định tại Luật BHYT 2008), nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tỷ lệ 100%. Theo Phó Tổng Giám đốc, đâu là những vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện chính sách này?

- Chủ trương phát triển BHYT HSSV là nhất quán. Tuy nhiên, ngay trong các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện, chúng ta vẫn có không ít vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Đơn cử, mặc dù đã có quy định bắt buộc tham gia BHYT nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc trách nhiệm đối với HSSV, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT chưa đồng đều tại một số địa phương; SV, nhất là SV từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao (chiếm tỷ lệ khoảng 80%-85%).

Với tâm lý chủ quan về sức khỏe nên nhiều em chưa nhận thức được việc tham gia BHYT rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng, không thực hiện nguyên lý bảo hiểm tham gia khi trẻ khỏe, để thụ hưởng khi ốm đau bệnh tật. Đây là điều chúng tôi đang suy nghĩ và trăn trở để tìm giải pháp, bởi HSSV là một trong các nhóm đối tượng có mục tiêu phấn đấu phải đạt nhanh tỷ lệ bao phủ 100% theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, còn có lý do đó là HSSV ngoài tham gia tại nhà trường còn có thể tham gia theo các nhóm đối tượng khác như: Hộ gia đình, đối tượng người nghèo, người cận nghèo, thân nhân quân nhân… nên có thể chưa được thống kê vào nhóm BHYT HSSV.

*  Theo Phó Tổng Giám đốc, cần có những điều kiện gì để thực hiện tốt và bền vững chính sách BHYT HSSV?

- Trước hết, chúng ta phải nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người dân nói chung, các bậc phụ huynh nói riêng về ý thức trách nhiệm cũng như lợi ích khi tham gia BHYT. Việc nâng cao nhận thức có thể qua tuyên truyền, qua việc hiện thực hóa, hành động thiết thực của các cơ quan có liên quan... Đến một lúc nào đó, cần đưa chương trình giáo dục về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục trong nhà trường, bởi đây là điều hết sức quan trọng, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng cho HSSV.

Hiện nay, việc thực hiện chính sách BHYT đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước. Riêng đối với HSSV, năm nào Bộ GD-ĐT cũng có chỉ thị riêng về nội dung này. Song song với đó, chúng ta cần truyền thông làm sao để có được sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH với các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cũng cần tăng cường tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng trên địa bàn. Kiên quyết không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. Cân đối thêm nguồn kinh phí thuộc ngân sách địa phương hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Về trách nhiệm của mình, ngành BHXH sẽ tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho HSSV khi đi KCB; cải cách TTHC theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV tham gia BHYT. Cụ thể: Đối với HSSV đã có mã số BHXH, khi tham gia BHYT không phải lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT mà chỉ nộp tiền theo quy định; cơ quan BHXH thực hiện việc ghi giá trị sử dụng thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng vào cơ sở dữ liệu và không thực hiện cấp lại thẻ BHYT. Với HSSV chưa có mã số BHXH, cơ quan BHXH sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu và cấp thẻ BHYT theo quy định.

Nguồn: baobaohiemxahoi.vn