Skip to main content
Ban biên tập | 3 September 2020

          Năm 2019, điểm nhấn trong lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh chính là sự vươn lên mạnh mẽ của các hợp tác xã (HTX) nông, lâm nghiệp, thủy sản (HTX nông nghiệp).

          Nỗ lực vươn lên

          Những năm trước đây, phần lớn các HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc chỉ có tên đăng ký mà gần như không hoạt động, thì những năm gần đây, nhiều HTX nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó bằng cách phát huy nội lực, tìm cho mình cách làm phù hợp để từng bước vươn lên phát triển. Câu chuyện ở HTX Nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh, huyện Văn Quan (HTX Trấn Ninh) là một ví dụ.

          Được thành lập từ năm 2007, HTX Trấn Ninh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, vốn ít, phương án sản xuất chưa phù hợp, thị trường thiếu ổn định nên hiệu quả hoạt động thấp, thậm chí có thời gian HTX tạm ngừng hoạt động. Năm 2016, sau khi thực hiện việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã nhanh chóng lựa chọn hướng đi mới cho mình.

Mô hình trồng bưởi Diễn ở HTX sản xuất cây ăn quả thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng

          Ông Hoàng Lê Hoan, Giám đốc HTX Trấn Ninh cho biết: Thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như trước, HTX đã chủ động tổ chức đi tìm hiểu, học tập mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi, sau đó đã thống nhất và lựa chọn mô hình trồng lúa Nhật TBJ3 và vụ đầu năm 2017 bắt đầu triển khai trồng khảo nghiệm 1,7 ha. Giống lúa phù hợp với đất đai, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển tốt, vụ sau, năng suất và chất lượng lúa tốt hơn vụ trước, giá trị kinh tế cao gấp 2,5 lần so với các giống lúa trồng trước đó trên cùng diện tích.

          Từ những kết quả như vậy, năm 2019, mô hình sản xuất lúa Nhật của HTX Trấn Ninh đã được nhân rộng ra nhiều xã khác cả ở trong và ngoài huyện Văn Quan. Diện tích lúa Nhật năm 2019 được nâng lên trên 70 ha. HTX hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực nên nhiều hộ dân đã chủ động xin gia nhập HTX. Đến nay, HTX có 131 thành viên, tăng gần 100 thành viên so với năm 2017.

          Tương tự HTX Trấn Ninh, nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy nội lực, chủ động tìm tòi, học hỏi, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả hoạt động. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất cá tại HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn; HTX Nông sản sạch Tràng Định đã tìm hiểu, phục tráng giống lúa bao thai hồng; HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp xã Cai Kinh, huyện Chi Lăng mở rộng từ sản xuất cây ngắn ngày sang sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP….

          Hỗ trợ phát triển

          Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các HTX nông nghiệp trên địa bàn, để hỗ trợ các HTX vượt khó vươn lên, năm 2019, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho các HTX đã được triển khai.

          Chị Hoàng Thị Hùng, Giám đốc HTX Thiên Phú, huyện Đình Lập cho biết: Được thành lập tháng 3/2016, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ nông lâm nghiệp. Năm 2017, HTX bắt đầu sản xuất, kinh doanh các loại rau, củ quả, trong đó chủ yếu là các sản phẩm như: củ cải, đỗ khô. Để làm khô sản phẩm, HTX chủ yếu phơi thủ công; tuy nhiên do phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên sản lượng được rất ít, cả năm 2017 mới được khoảng 1 tấn sản phẩm, trong khi thị trường tiêu thụ rất tốt mà không có sản phẩm để bán.

          Năm 2019, được hỗ trợ 350 triệu đồng từ Viện Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), HTX đã đối ứng thêm để đầu tư dây chuyền máy sơ chế rau, củ quả. Đây là sự hỗ trợ hết sức ý nghĩa với HTX bởi nó giải quyết khâu sơ chế, bảo quản. Ngay khi đầu tư máy móc, HTX đã lên phương án tái sản xuất rau, củ, quả, đồng thời tìm lại các mối liên kết cung ứng sản phẩm trước đây. Với công suất đạt 9 tạ/ngày sẽ giúp HTX đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường.

          Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, bằng nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh đã có hơn 20 HTX trên địa bàn được vay vốn với tổng số tiền  6,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số HTX nông nghiệp đã vay vốn từ các ngân hàng thương mại để từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh.

          Không chỉ hỗ trợ về vốn, năm 2019, Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Một trong những khó khăn của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp mới thành lập là khó chọn cho mình được phương án sản xuất kinh doanh phù hợp. Nhiều HTX chỉ thành lập cho có rồi sản xuất theo kiểu tự phát. Xác định được hạn chế như vậy, năm 2019, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức 15 lớp tuyên truyền, tập huấn với nội dung liên quan đến việc lập phương án sản xuất kinh doanh; lập kế hoạch chiến lược kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; tuyên truyền Luật HTX năm 2012…với gần 1.000 lượt người tham dự.

          Thông qua tập huấn đã giúp cho nhiều HTX có định hướng phát triển rõ ràng hơn. Ông Đường Thế Quang, Giám đốc HTX Yên Phát, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2019, HTX được thành lập với hoạt động chính là chăn nuôi và sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, do vừa đi vào hoạt động nên HTX còn lúng túng trong việc lựa chọn phương án sản xuất cho phù hợp. Thông qua lớp tập huấn của Liên minh HTX tỉnh giúp HTX hiểu đúng, đầy đủ hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về phương án sản xuất kinh doanh.

          Từ sự nỗ lực của các HTX cùng sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển rõ nét. Dự kiến hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 170 HTX nông nghiệp hoạt động với tổng số thành viên gần 3.000 người; số lao động là 3.700 người; thu nhập của thành viên và người lao động trong HTX đạt từ 3,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 1 triệu đồng/người/tháng so với năm 2018; số HTX hoạt động khá, tốt tăng 10 HTX so với năm 2018.

Nguồn: baolangson.vn