Skip to main content
Ban biên tập | 3 September 2020

           Ở xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn, nhiều người biết đến ông Dương Công Núi, sinh năm 1968, ở thôn Mỏ Đẩu, là một điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương.

          Năm 2004, ông làm cán bộ văn hóa xã, với sự nỗ lực hết mình trong công việc, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến tháng 9/2010, ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách lĩnh vực kinh tế – văn hóa.

          Qua tìm hiểu và tham quan một số mô hình ở địa phương và các tỉnh miền xuôi, nhận thấy mô hình trồng cây cam đường Canh là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, ông đã bàn với gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

          Ông Núi tâm sự: Từ năm 2016, gia đình tôi bắt đầu trồng những cây cam đầu tiên với số lượng 2.000 cây. Sau một năm, thấy cây hợp đất sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình tiếp tục trồng hơn 2.000 cây. Hiện gia đình có 4.000 cây cam đường Canh, 1.000 cây cam V2, tổng diện tích 4,7 ha.

Ông Dương Công Núi, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn

          Do ông chịu khó đầu tư nguồn lực cùng với sự am hiểu và vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ cây trồng, nên diện tích cây cam của gia đình ông đều phát triển tốt. Đến năm 2018, vụ cam đường Canh đầu tiên đã cho thu hoạch trên 17 tấn quả, mang lại cho gia đình thu nhập gần 400 triệu đồng.

          Vụ cam năm nay, với hơn 500 cây cho thu hoạch, ước tính mỗi cây trung bình 40 kg quả, gia đình ông cũng có nguồn thu đáng kể. Để cây cam Canh phát triển tốt và đạt hiệu quả, theo ông Núi, người trồng phải chăm sóc rất công phu, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để cây ra hoa như mong muốn là cần theo dõi chặt chẽ thời tiết và thời điểm chăm sóc. Để đảm bảo cam sạch và an toàn, ông Núi dùng phân chuồng ủ hoai mục bón cho cây theo từng giai đoạn.

          Nhận thấy cây cam đường Canh phát triển tốt, cho chất lượng quả cao và giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác, nhiều hộ dân trong vùng đã tìm đến mô hình của ông để học tập kinh nghiệm, ông Núi đều tận tình chia sẻ. Ông cho biết: Là một cán bộ cần phải đi đầu trong các phong trào, mạnh dạn thử nghiệm thì mới có thể tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. Một số bà con đến tham quan, học hỏi, tôi rất vui và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ những gì mình biết, những cái mà mình đã thực hiện trên vườn nhà.

          Ông Dương Doãn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: ông Dương Công Núi, Phó Chủ tịch UBND xã là người năng nổ, nhiệt tình trong công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, ông Núi là người rất tích cực trong việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Đây là một mô hình rất hiệu quả, bước đầu đánh dấu sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã.

Nguồn: baolangson.vn