Skip to main content
Ban biên tập | 3 September 2020

          Bẵng đi chừng hơn 20 năm người dân Tràng Định bỏ trồng giống lúa bao thai hồng, khoảng 2 năm trở lại đây, giống lúa đặc sản này lại được “hồi sinh” trên đồng đất Tràng Định.

          Hồi sinh lúa bao thai hồng

          Giống lúa bao thai hồng được trồng ở Tràng Định từ lâu và đây được coi là một trong những loại gạo ngon, đặc sản của huyện Tràng Định. Tuy nhiên, bẵng đi khoảng hơn 20 năm, người dân không trồng loại lúa này nữa. Bà Lê Thị Kim, người dân xã Chi Lăng, huyện Tràng Định cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác ở xã cũng trồng lúa bao thai hồng. Gạo bao thai hồng nấu cơm thì mềm, dẻo hơn, thơm hơn một số loại gạo khác. Tuy nhiên, giống lúa này năng suất không ổn định, cây lúa cao nên dễ đổ gẫy khi gặp thời tiết bất lợi…

          Cũng có thể vì những lý do tương tự mà các hộ dân khác trên địa bàn huyện bỏ dần giống lúa này. Ông Từ Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Từ những hạn chế về năng suất, chăm sóc cộng với việc có thêm nhiều giống lúa mới năng suất cao, ổn định được đưa vào sản xuất nên dần dần, người dân bỏ trồng lúa bao thai hồng.

Mô hình trồng lúa bao thai hồng tại huyện Tràng Định

          Tuy nhiên, nhận thấy những ưu điểm, lợi thế, đặc biệt là chất lượng của lúa bao thai hồng, ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tràng Định đã quyết tâm tìm và khôi phục lại giống lúa này.

          Việc tìm lại giống lúa này không hề đơn giản bởi rất nhiều hộ dân đã bỏ cấy từ lâu, không để lại giống, thậm chí trước đây cũng đã có những dự án phục tráng lại giống lúa này nhưng cũng chưa thực hiện được. Năm 2017, ông Hải cùng các thành viên HTX phải tìm vào những thôn, bản vùng sâu, vùng xa ở các xã của huyện Tràng Định tìm giống. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng ông gặp một số ít hộ ở xã Hùng Sơn còn trồng với diện tích rất nhỏ chủ yếu để ăn. Ông thuyết phục và người dân đồng ý để lại cho một ít giống.

          Lấy được giống, nhưng để khắc phục những hạn chế của giống lúa bao thai hồng như trước đây, HTX Nông sản sạch Tràng Định đã tìm tòi, học hỏi, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cánh cửa “hồi sinh” giống lúa này từng bước được mở ra.

          Phát triển nhanh chóng

          Tìm được giống, năm 2018, HTX nhanh chóng bắt tay vào sản xuất. Tuy nhiên do số lượng giống ít, lại là năm đầu tiên đưa vào trồng nên HTX liên kết với các hộ dân trồng khoảng 2 ha, chủ yếu để gây giống. Rút kinh nghiệm cách trồng, chăm sóc theo phương thức cũ trước đây, HTX đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, HTX đầu tư, hỗ trợ phân bón vi sinh hữu cơ. Được hỗ trợ vật tư chất lượng cao cộng với áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch nên năng suất, chất lượng được đảm bảo. Kết quả vụ thử nghiệm đầu tiên, HTX đã thu được 11 tấn thóc/2 ha.

          Từ những kết quả bước đầu của năm 2018, vụ mùa năm 2019, HTX triển khai trồng và liên kết trồng trên diện rộng với diện tích 60 ha ở các xã, thị trấn vùng cánh đồng của huyện Tràng Định (gồm các xã: Hùng Sơn, Đề Thám, Chi Lăng, Đại Đồng và thị trấn Thất Khê). Với cách làm tương tự như năm 2018, cộng với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn sản xuất, năm 2019, năng suất, chất lượng lúa bao thai hồng của HTX Nông sản sạch Tràng Định đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh một số hộ để lại thóc làm giống cũng như để ăn, vụ lúa bao thai hồng năm 2019, HTX vẫn thu mua được gần 300 tấn thóc với giá 10.000 đồng/kg, cao hơn một số giống lúa bà con trồng ở các vụ trước đây từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg.

          Thu nhập cao hơn hẳn trên cùng diện tích lại không lo đầu ra cho sản phẩm nên người dân rất phấn khởi. Ông Đặng Ngọc Chân, thôn Nà Cà, xã Hùng Sơn cho biết: Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng lúa bao thai hồng cao hơn hẳn trước đây. Cả  năm 2018 và 2019, gia đình tôi đều trồng 5 sào lúa bao thai hồng cho năng suất trên 2,2 tạ/sào. Đặc biệt là người dân chỉ cần yên tâm sản xuất, còn lại HTX Nông sản sạch đã bao tiêu đầu ra. Với cách làm như vậy, gia đình tôi mong muốn tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa bao thai hồng này ở vụ sau.

          Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định khẳng định: Người dân chỉ cần sản xuất theo đúng quy trình, còn HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Với chất lượng gạo bao thai hồng, ngoài bán lẻ trong tỉnh, HTX đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với đối tác ở các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh…

Từ những kết quả cụ thể đó, người dân phấn khởi và tin tưởng vào mô hình sản xuất gạo bao thai hồng. Qua đó giúp “hồi sinh” giống lúa đặc sản, đồng thời đổi mới hình thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nguồn: baolangson.vn