Skip to main content
Ban biên tập | 3 September 2020

           Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, ông Hoàng Quang Thắng, sinh năm 1959, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đã hoàn thiện và đưa ra thị trường chiếc bếp lò đa năng di động tiết kiệm củi. Ưu điểm nổi bật của bếp là tiết kiệm được khoảng 60% củi so với bếp kiềng thường, do vậy, sản phẩm này được khách hàng, nhất là người dân khu vực nông thôn đón nhận.

          Tìm gặp ông Thắng trong một buổi chiều giá rét đầu tháng 2/2020. Bên ánh lửa bập bùng, hơi ấm của bếp lò như xua tan cái giá lạnh, ông Thắng chia sẻ: “Trước đây, tôi là kế toán Công ty Thương nghiệp Lạng Sơn. Năm 1992, công ty giải thể, tôi được nghỉ theo chế độ, sau đó, tôi  làm rất nhiều nghề để mưu sinh.  Năm 2010, tôi ấp ủ mơ ước về việc chế tạo ra một sản phẩm độc quyền vừa đem lại thu nhập, vừa phục vụ đời sống của người dân nông thôn. Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Long Đống, huyện Bắc Sơn – nơi người nông dân còn rất khó khăn. Mỗi lần về quê, tôi thấy người dân đun nấu bằng bếp kiềng rất tốn củi, một gánh củi chỉ đun được một đến hai ngày, từ đó tôi luôn trăn trở làm thế nào để tạo ra một cái bếp lò giúp bà con tiết kiệm củi hơn”.

Sản phẩm bếp lò đa năng di động tiết kiệm củi đun hơn so với bếp thường

          Qua tìm hiểu trên thị trường, ông Thắng nhận thấy hầu hết các cửa hàng đều bán bếp đun than tổ ong, bếp lò đun than…, các bếp này đều không đốt được củi hoặc tận dụng rơm, rạ, lõi ngô, cây ngô… ở nông thôn có sẵn. Sau một thời gian tự tìm tòi về nguyên lý và cơ chế hoạt động của các loại bếp trên mạng, đến năm 2012, ông bắt tay vào thực hiện chiếc bếp lò đầu tiên, nhưng khi đưa vào thử nghiệm lại không đạt hiệu quả như mong muốn.

          Không nản chí, ông tiếp tục nghiên cứu và khắc phục sản phẩm của mình. Từ năm 2012 đến năm 2015, sản phẩm bếp lò của ông phải qua 4 lần cải tiến mới hoàn thiện với nhiều tính năng ưu việt như: giảm chất đốt, giảm khói bụi, bếp có bộ phận chống nóng vỏ lò và giữ nhiệt cho lò bằng tro bếp, có hai cửa cho củi vào đốt.

          Giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm của mình, ông Thắng cho biết: “Chiếc bếp củi đa năng di động của tôi gồm 6 bộ phận: chân lò, thân lò, kiềng chính, kiềng phụ, bát lò và sàng lò. Điều đặc biệt là các bộ phận này có thể tháo rời và di chuyển ở bất cứ nơi nào trong nhà nên rất tiện lợi; khi các bộ phận hỏng có thể thay thế riêng từng bộ phận nên đỡ được chi phí. Ngoài ra, bếp được đúc 100% bằng gang nên độ giữ và chịu nhiệt rất tốt với độ bền lên đến hơn 20 năm”.

          Hiện nay, ông Thắng sản xuất hai loại lò, loại nhỏ có trọng lượng khoảng 26 kg dùng nấu cơm, đun nước với số lượng ít; lò có trọng lượng 40 kg để đun nấu với số lượng nhiều hơn. Từ khi sản phẩm hoàn thiện, đến nay, ông đã bán hơn 1.000 chiếc bếp ra thị trường, với giá dao động từ 750 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/cái, chủ yếu phục vụ bà con nông thôn ở trong và ngoài tỉnh như: Gia Lai, Kon Tum, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Kạn, Bắc Giang…

          Bà Bế Thị Lanh, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định chia sẻ: “Thấy thông tin trên mạng nên tôi biết đến bếp lò của ông Thắng. Khi mua về sử dụng tôi thấy rất tiện lợi, giảm được nhiều củi hơn bếp thường. Với một bó củi nặng 5 kg có thể nấu cơm, nước cả ngày cho gia đình nhưng nếu đốt ở bếp thường có thể dùng đến 3 – 4 bó củi”.

          Với những tính năng ưu việt, tiện lợi, phù hợp với người dân,  tháng 12/2019, sản phẩm bếp lò của ông Thắng đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn lần thứ V năm 2019.

Nguồn: baolangson.vn