Skip to main content
Ban biên tập | 1 September 2020

         Phòng chống mua bán người đang là một thách thức lớn với nhiều nước trên thế giới do loại tội phạm này luôn rình rập phá hoại hạnh phúc nhiều gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy loại tội phạm này cần phải bị loại trừ khỏi đời sống xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người nổi lên một số thủ đoạn mới như các đối tượng phạm tội thông qua mạng xã hội, giả danh là cán bộ công an, bội đội biên phòng… để gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn nhân, giả vờ yêu, tổ chức đám cưới, hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán họ ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người cũng diễn biến phức tạp; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai.

Nỗ lực đấu tranh với loại tội phạm này, 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã điều tra, khám phá 67 vụ, bắt 112 đối tượng mua bán người; đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 137 nạn nhân bị mua bán trở về.

Trên cơ sở những thành công và hạn chế trong đấu tranh với tội phạm mua bán người, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) đề nghị Ban Chỉ đạo 138 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức truyền thông phòng ngừa tội phạm mua bán người, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, các địa bàn phức tạp, trọng điểm về trật tự an toàn xã hội…

Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn luật, thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự; tổ chức tập huấn chuyên sâu hướng dẫn thực hiện các đạo luật có liên quan đến tội phạm mua bán người.

Lực lượng công an phối hợp với các lực lượng chức năng của quân đội, hải quan và các lực lượng liên quan khác triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng ổ nhóm tội phạm; triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc, trọng tâm là trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, chủ động phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng…

Trong lĩnh vực truyền thông, trong thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai các hoạt động theo Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người”; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, duy trì và xây dựng mới các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phim phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp phòng, chống mua bán người… tăng thời lượng, tần suất thông tin về phòng, chống mua bán người, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội và người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; phối hợp tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên báo in, báo điện tử Trung ương và địa phương.

Các thông điệp, phim tài liệu tuyên truyền về phòng, chống mua bán người sẽ được truyền tải trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC; tem và phong bì truyền thông phòng, chống mua bán người cũng sẽ được cấp phát tại các tỉnh biên giới để thông tin lan tỏa rộng rãi tới cả những địa bàn vùng sâu vùng xa, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác với tội phạm trong nhân dân cả nước để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả thiết thực hơn./.

Nguồn: Chinhphu.vn