Skip to main content
Ban biên tập | 26 August 2020

        Kể từ năm 2013, Liên hợp quốc đã chọn ngày 30/7 hằng năm là Ngày thế giới phòng chống mua, bán người, coi đây như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua, bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ.

Vấn đề mua bán người là một nguy cơ đặt ra nhiều thách thức toàn cầu trong suốt 20 năm qua, việc ngăn chặn, bảo vệ các nạn nhân bị mua bán, tăng cường truy tố, xét xử những kẻ buôn người đòi hỏi sự chung tay giải quyết của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp có nguy cơ làm gia tăng tình trạng mua bán người hiện nay. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. 

Họp báo công bố quyết định của Thủ tướng về chọn ngày 30/7 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người". (Ảnh: H.N)

Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện, phổ biến và triển khai hệ thống chính sách, pháp luật trong phòng chống mua, bán người để tiệm cận với luật pháp quốc tế. Hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, khẳng định và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm, hiệu quả các cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm "Ngày thế giới phòng chống mua, bán người", với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc…

Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên hợp quốc. Quyết định thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Global Compact for Safe, Orderly and Regular Migration - Thỏa thuận GCM) phù hợp với chính sách, pháp luật và điều kiện của Việt Nam nhằm quản lý di cư hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững.

Thời gian qua, Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em đã được phê chuẩn. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người; Bộ luật Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự liên quan tội phạm mua bán người đã điều chỉnh theo hướng mở rộng hành vi và tăng mức hình phạt, tiếp cận với pháp luật quốc tế. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với nạn nhân của nạn mua, bán người được triển khai một cách đồng bộ, từ cung cấp các nhu cầu thiết yếu, trợ giúp về y tế, tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, đến vay vốn sản xuất... yên tâm trở về gia đình và hòa nhập cộng đồng.

Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhận bị mua bán trở về được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương chú trọng thực hiện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, xã hội trong phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân bị mua bán trở về. 

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong công tác truyền thông cộng đồng đã lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, chú trọng hoạt động tuyên truyền trong học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề, công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; thanh niên thiếu việc làm, nhất là nữ thanh niên khu vực nông thôn để phòng ngừa nguy cơ bị mua bán, trọng tâm trong các tháng cao điểm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7”.

Bên cạnh đó, tập huấn chuyên sâu về phòng, chống tệ nạn xã hội được lồng ghép với chính sách, quy trình công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các cơ quan bộ, ngành và các tỉnh, thành phố (bao gồm thành viên Ban chỉ đạo 138), cán bộ cấp huyện, cấp xã trực tiếp thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân hoặc các hoạt động khác liên quan như công tác điều tra, trinh sát, biên phòng, phụ nữ, kiểm sát, thẩm phán về Luật phòng, chống mua bán người và công tác xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, các bộ, ngành và tỉnh, thành phố đã tổ chức gần 1 triệu cuộc truyền thông cộng đồng với trên 41,5 triệu lượt người tham dự; tổ chức hơn 1.500 lớp tập huấn cho 132.864 lượt người tham gia; xây dựng 23.000 pano, 68.500 áp phích; cấp phát trên 3 triệu tờ rơi, 730.000 sách mỏng có nội dung về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Trong 5 năm qua, đã có hơn 3.000 nạn nhân của các vụ mua, bán người được giải cứu. Lực lượng biên phòng đã giải thoát cho hàng nghìn số phận trở về đoàn tụ với gia đình từ nạn mua, bán người. Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 74 vụ, liên quan đến 104 đối tượng, lừa bán 98 nạn nhân. So cùng kỳ năm 2019, giảm 16,85% số vụ, 26,76% số đối tượng và 42,01% số nạn nhân. Lực lượng Công an, Biên phòng khám phá 61 vụ, bắt 79 đối tượng. VKSND các cấp truy tố 34 vụ với 51 bị can. TAND các cấp thụ lý 57 vụ với 92 bị cáo phạm các tội về mua bán người, trong đó tuyên phạt tù có thời hạn đối với 52 bị cáo, trong đó có 1 bị cáo lĩnh án tù trên 15 năm, 24 bị cáo lĩnh án tù từ 7 đến 15 năm, 23 bị cáo lĩnh án 3 đến 7 năm…

Tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân - hành động nhân văn, trách nhiệm của cộng đồng

Bên cạnh những nỗ lực phòng ngừa, giải cứu thì việc hỗ trợ các nạn nhân của mua, bán người trong thời gian qua cũng được Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành nhiều sự quan tâm. Theo thống kê, đến nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập, thuộc các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Tùy theo điều kiện của từng địa phương, khả năng của từng cơ sở trợ giúp xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội hoặc cả 2 trung tâm này. Một số tỉnh do điều kiện khó khăn, bố trí cơ sở điều dưỡng người có công hoặc cơ sở cai nghiện ma túy tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trên thực tế, có 51 Trung tâm Bảo trợ xã hội và 43 Trung tâm công tác xã hội có chức năng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Mặc dù còn khó khăn nhưng tại các cơ sở này vẫn bố trí từ 1 đến 2 phòng, chuẩn bị tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân, trong đó, 2.891 nữ, 528 người dưới 18 tuổi. Dựa trên nhu cầu của nạn nhân, có 2.216 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 1.347 người được hỗ trợ y tế, 2.105 người được tư vấn tâm lý, 1003 người được trợ giúp pháp lý, 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu và 72 người vay vốn sản xuất.

Thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và qua việc xây dựng, thí điểm các mô hình trong chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cũng như sự chủ động của các tỉnh, thành phố, một số cơ sở, địa chỉ đã được thành lập với chức năng hỗ trợ nạn nhân. Trong đó phải kể đến những mô hình tiêu biểu như Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang; Ngôi nhà bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển. 

Từ khi thành lập năm 2010 đến 10/2019, Nhà Nhân ái tại Lào Cai đã tiếp nhận hỗ trợ cho 231 nạn nhân. Trong số các nạn nhân được tiếp nhận có 54 trẻ em (26%), 30 em đang học dở phổ thông, 20 em đã từng bỏ học, 10 em khó khăn trong giao tiếp không biết tiếng kinh, gia đình khó khăn. Thông qua sự hỗ trợ của Nhà Nhân ái, có 02 em học Đại học, 01 em học Cao đẳng, 12 em học Trung cấp, 17 em học xong văn hóa, 34 em học nghề. Đã hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 121 người với mức hỗ trợ từ 1.000.000 – 4.000.000 đ/người. Chương trình trao sổ tiết kiệm tạo vốn cho các em đã được hưởng ứng có hiệu quả. Đã có trên 20 em lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đặc biệt có em đã tiết kiệm được 6 triệu đồng từ lao động của chính bản thân, đã được Nhà Nhân ái hỗ trợ thêm 6 triệu đồng nữa là 12 triệu đồng để các em tự mở cửa hàng may tại Lào Cai ổn định.

Từ năm 2008 đến 2019, Nhà Nhân ái tỉnh An Giang đã tiếp nhận 50 nạn nhân. Trong thời gian qua, Ban quản lý Nhà Nhân ái tỉnh An Giang đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh những nạn nhân bị mua bán trở về đang khó khăn về nhà ở để hỗ trợ. Qua kết quả khảo sát, Ban quản lý Nhà Nhân ái tỉnh An Giang đã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện Châu Thành, An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu xây dựng 11 căn nhà tình thương cho 11 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó tổ chức Vòng Tay Thái Bình hỗ trợ 8 căn, mỗi căn nhà khoảng 50 triệu đồng  mua các vật dụng thiết yếu trang bị cho mỗi căn nhà như: tủ quần áo, tủ gia dụng, quạt điện, nồi cơm điện, bộ bàn ghế inox, bộ nồi, chảo chống dính và bình lọc nước khoảng 10 triệu đồng.  

Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cung cấp các hoạt động truyên truyền và các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về với 1 Phòng Tham vấn và 3 Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội và Cần Thơ (Thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển).

Nguồn: dangcongsan.vn