Skip to main content
Ban biên tập | 10 August 2020

          Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội dài hạn hướng tới BHXH toàn dân để mọi người dân đều có lương hưu khi hết tuổi lao động.

BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu, từ đó chủ động tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Trần Kiên

Đột phá trong phát triển đối tượng tham gia

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt của Nhà nước ta. Nhất là, trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID -19, nhiều người lao động đã thấy rõ tầm quan trọng của việc tham gia BHXH nói chung.

“Chúng ta cần tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp tới đối tượng là nông dân, người lao động khu vực phi chính thức về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện”, ông Liệu nói.

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, trong khi số người tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm thì BHXH tự nguyện nổi lên là “điểm sáng” khi tăng 96,8 nghìn người so với năm 2019. Điều đó cho thấy chính sách BHXH tự nguyện đang ngày một khẳng định vị trí, vai trò đảm bảo an sinh cho nhân dân của Nhà nước.

BHXH tự nguyện không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện (chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên). Phương thức đóng tiền đa dạng, linh hoạt, đặc biệt phù hợp với từng đối tượng.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo, bằng 10% đối với các đối tượng khác.

“Tham gia BHXH tự nguyện, mọi người được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất", BHXH Việt Nam khẳng định.

Thủ tục tham gia được tinh giản, rút gọn

Đặc biệt, ngành BHXH luôn đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia, kịp thời rà soát, tinh giản, rút gọn các thủ tục hành chính trong các giao dịch giữa người tham gia với cơ quan BHXH khi từ tháng 5/2020, thủ tục thu BHXH tự nguyện chỉ duy nhất có 1 thủ tục.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ được đẩy mạnh, giao dịch điện tử cấp độ 3, 4 được áp dụng; hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT và mạng lưới cộng tác viên được mở rộng, trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố,  tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách, tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh kết quả đạt được, BHXH Việt Nam cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Đó là, mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng).

Thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam).

Sự quan tâm vào cuộc của một số chính quyền các cấp, các ngành và BHXH chưa thực sự quyết liệt. Hầu hết, các tỉnh, TP chưa bố trí được nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Cùng với đó, thu nhập của nhiều người dân, người lao động khu vực phi chính thức còn thấp, bấp bênh; vẫn còn nhiều người dân chưa thay đổi nhận thức đóng góp, tích lũy chăm lo cho cuộc sống lâu dài, nên còn thiếu quan tâm, chưa tích cực tham gia BHXH tự nguyện…

Tiếp tục có những giải pháp mở rộng đối tượng tham gia

Sau 11 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, tính đến 6 tháng đầu năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt mốc 670,8 nghìn người.

Con số này là kết quả đầy nỗ lực của toàn ngành BHXH. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với dư địa trên 30 triệu người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tiềm năng.

Với tính ưu việt và nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện chính sách BHXH toàn dân, BHXH Việt Nam đang tiếp tục có những giải pháp để BHXH tự nguyện phát triển, mở rộng đối tượng tham gia.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu cho hay, BHXH Việt Nam đang đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện; linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, như mức hỗ trợ tối thiểu bằng 30%, 25%, 10% để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có thể hỗ trợ thêm một phần mức đóng cao hơn cho người tham gia BHXH tự nguyện; đề nghị UBND tỉnh, TP giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

BHXH Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu từ đó chủ động tham gia BHXH tự nguyện.

Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu, cũng như giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý thu.

Đồng thời, đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Nguồn: thanhtra.com.vn