Skip to main content
Ban biên tập | 6 July 2020

 

Chiều ngày 15/01/2020, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã có buổi làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Uông Chu Lưu chủ trì điều hành buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình – Phó Trưởng Đoàn giám sát; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, thời gian qua Đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức 03 Đoàn công tác để giám sát trực tiếp tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều đơn vị cơ sở, các trường học, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, thăm gặp các gia đình một số trẻ em là nạn nhân bị xâm hại. Đoàn giám sát cũng phối hợp với các cơ quan tổ chức điều tra xã hội học về nội dung thuộc chuyên đề giám sát cũng như tổ chức hội thảo liên quan.

15.1.2020-giam-sat-tre-em1.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, tại buổi làm việc này, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cùng các thành viên Đoàn giám sát đánh giá lại một cách khách quan về những kết quả đạt được cũng như những bất cập, khó khăn vướng mắc trong việc trong thực hiện chính sách, pháp luật  về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua; phân tích đầy đủ nguyên nhân; xác đinh rõ trách nhiệm để từ đó có kiến nghị giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.


10 vấn đề nổi lên trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe trình bày tóm tắt báo cáo tổng hợp về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ qua tổng hợp báo cáo và thực tiễn giám sát tại các địa phương cho thấy nổi lên 10 vấn đề cần được tiếp tục làm rõ.

Một là, cần đánh giá lại tình hình xâm hại trẻ em thời gian qua khi mà số liệu giữa các báo cáo không khớp nhau; cách thức để đánh giá đúng tình hình với 6 hành vi xâm hại trẻ em được Luật Trẻ em quy định.

Hai là, công tác triển khai thi hành Luật Trẻ em. Luật Trẻ em sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 nhưng đến nay vẫn có 52 đia phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật. Như vậy trách nhiệm triển khai thi hành Luật của các địa phương, cơ quan hành pháp, các Bộ, ngành như thế nào. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 90 Luật Trẻ em quy định hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp phải báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình trẻ em nhưng thực tế thì hầu như các địa phương không có báo cáo riêng về nội dung này mà lồng ghép ít nhiều trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Chính phủ và các Bộ liên quan làm rõ vấn đề này và cho biết giải pháp.

Ba là, phòng chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình và môi trường nhà trường. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, môi trường gia đình và nhà trường là hai nơi được coi là an toàn nhất đối với trẻ em, nhưng qua thực tiễn thống kê cho thấy tình hình xâm hại trẻ em ở đây đang ở mức báo động. Đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp trong thời gian tới.

Bốn là, giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường mạng xã hội khi mà nổi lên hiện nay trẻ em sử dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội rất nhiều.

Năm là về công tác tuyên truyền. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề, nội dung tuyên truyền hiện nay còn mang tính cổ điển, truyền thống, hình thức nghèo nàn thì với sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội thì Chính phủ và Bộ Thông tin truyền thông có đánh giá như thế nào và có giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền gắn với diễn biến của tình hình.
Sáu là, trong công tác thanh tra, kiểm tra nổi lên vấn đề thanh tra chuyên đề chưa tiến hành ở các địa phương, mà chủ yếu là lồng ghép gắn với dịp Tết thiếu nhi…, trong khi đây là một trong những công cụ quản lý nhà nước thì cần được đánh giá hiệu quả thanh tra, kiểm tra và định hướng giai đoạn tới;
Bảy là vấn đề khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ những vướng mắc hiện nay.

Tám là về tổ chức bộ máy. Luật giao 11 nhiệm vụ cho cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã trong khi tại các xã, cán bộ làm công tác xã hội phải kiêm nhiệm nhiều công việc, một số cán bộ còn hạn chế về chuyên môn nên khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Chín là đề nghị làm rõ việc bố trí kinh phí để thực hiện công tác trẻ em hiện nay. Ngân sách bố trí chưa đảm bảo, nhiều tỉnh bố trí rất thấp, có tỉnh có những năm không bố trí ngân sách riêng cho lĩnh vực trẻ em này.
Cuối cùng là vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong việc thể hiện sự quan, vào cuộc và lên tiếng trong các vụ việc xâm hại trẻ em, phối hợp tuyên truyền kiến thức, kĩ năng phòng chống xâm hại trẻ đến các thành viên trong tổ chức của mình.

Cơ chế phối hợp liên ngành thực hiện công tác bảo vệ trẻ em chưa hiệu quả

Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận Chính phủ và các Bộ, ngành đã thực hiện được nhiều việc, đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên trong các nội dung báo cáo chưa thể hiện được vai trò của các cơ quan trong thực hiện các nhiệm vụ được Luật giao. Do đó, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ làm rõ một số số liệu để đánh giá tình hình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh bày tỏ băn khoăn về hiệu quả của cơ chế phối hợp liên ngành trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em bởi thực tế có giai đoạn sau khi giải tán Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, công tác trẻ em không được quan tâm thực hiện. Nhiều địa phương chưa có cơ chế phối hợp, quy định trách nhiệm cũng không rõ ràng, yếu trong việc kết nối thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan.
Cho rằng nguyên tắc quyền lợi tốt nhất cho trẻ em chưa được coi trọng trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh đề nghị các cơ quan cần cải tiến cách thực triển khai nhiệm vụ, xác định rõ đầu mối và nâng cao trách nhiệm nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ  trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Mai Bộ cũng đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ tình hình và có hướng giải quyết cho thực trạng ở các địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện công tác phối hợp thực hiện nhiệm bảo vệ trẻ em không bảo đảm yêu cầu, có tình trạng khoáng trắng cho ngành lao động, thương binh và xã hội thực hiện.

Theo chương trình, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan vào ngày 16/01.

Nguồn: molisa.gov.vn