Skip to main content
Ban biên tập | 29 May 2020

Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ trẻ em bị đuối nước thương tâm. Để đẩy lùi thực trạng này, cần có sự giám sát chặt chẽ của gia đình và chính quyền địa phương.

Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều trẻ em tìm đến khu vực sông, hồ nước để tắm. Do không cẩn trọng, không ít trường hợp trẻ em bị trượt chân vào vùng nước sâu dẫn đến đuối nước thương tâm.

Cụ thể, khoảng 17h ngày 19.5, sau giờ học về nhà, 2 nữ sinh lớp 10 của trường THPT Bất Bạt là: N.T.L học sinh lớp 10A2 và học sinh Đ.T.N học sinh lớp 10A3 ở đội 2, thôn Đan Thê (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) ra sông Đà tắm đã không may trượt chân xuống vùng nước sâu, bị đuối nước.

Khu vực này vào buổi chiều thường có rất nhiều người dân trong khu vực ra tắm. Khi phát hiện 2 cháu đuối nước thì người dân cứu vớt ngay, nhưng do 2 em bị xoáy vào khu vực nước sâu khoảng 4m nên người dân không cứu được.

Trước đó, chiều ngày 7.5, em N.Đ.B (SN 2005 – học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng nhóm bạn chơi thể thao tại bãi biển Thiêm Cầm. Vì thời tiết nắng nóng, B đã xuống biển tắm và không may bị đuối nước.

Day-Boi.jpg

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây đuối nước ở trẻ em là tỉ lệ trẻ biết bơi và có kĩ năng an toàn trong môi trường nước thấp; Thiếu sự giám sát của người lớn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi; Môi trường sống xung quanh của trẻ còn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ gây đuối nước…

Về hướng dẫn phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TBXH cho rằng: "Cần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước ở sông, hồ... phải có những biển báo. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh gia đình cũng cần được rào chắn an toàn".

Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, dạy kỹ năng và dạy bơi cho trẻ em hết sức cần thiết. Bên cạnh việc học bơi, các em cũng cần được huấn luyện kỹ năng xử lý tình huống.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục Trẻ em là đơn vị có trách nhiệm chủ trì về phòng chống thương tích ở trẻ em trong đó có đuối nước đã hướng dẫn, chỉ đạo cấp chính quyền địa phương và các đoàn thể phải tăng cường giám sát.

"Ví dụ trong gia đình, cha mẹ phải nhắc nhở các em không được tắm sông, hồ. Bên cạnh đó, nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở về nguy cơ và biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ trong những tiết học có liên quan"-ông Đặng Hoa Nam nói.

Hiện nay, Cục Trẻ em đề nghị một số địa bàn phải có tờ rơi, tờ gấp về phòng chống đuối nước đến tay các em. Từ đó, các em luôn mang bên mình và coi như một lời nhắc nhở trẻ em thường xuyên.

Ông cho rằng, gia đình phải thường xuyên giám sát các em. Đặc biệt khoảng thời gian buổi trưa, buổi chiều sau khi tan học, phụ huynh cần nắm được con em mình đi đâu, làm gì; vì theo nghiên cứu, thời gian trẻ em thường xuyên xảy ra đuối nước rơi vào khung giờ trên.

Cục trưởng Cục Trẻ em đề nghị, cộng đồng cũng có những giám sát với đối tượng này. Với những vùng ven sông, suối... nơi hay có trẻ em tắm, chính quyền địa phương và các đoàn thể phải có những biển báo và phân công người thường xuyên đi tuần để nhắc nhở các em.

"Các địa phương biết hết khu vực nào trẻ em hay tắm, vấn đề ở đây là cơ quan chức năng cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở các em. Vai trò chính quyền vô cùng quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ dịp hè" - ông cho biết.

Nguồn: molisa.gov.vn