Skip to main content
Ban biên tập | 22 April 2020

Nỗ lực phòng chống mua bán người qua đường dây nóng 111

         Mấy năm gần đây, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là nạn mua bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.

Mua bán người đang có chiều hướng phức tạp

Trung bình mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện khoảng 400 vụ mua bán người, số nạn nhân lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Trong đó, số vụ án mua bán người ra nước ngoài chiếm khoảng 80%. Đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán.

Thủ đoạn của bọn tội phạm cũng ngày càng tinh vi và phức tạp. Chúng thường lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa bán phụ nữ.

Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) tiếp cận, rủ rê, lôi kéo nạn nhân đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao để đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ, ép buộc hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc bán ra nước ngoài.

MBN

BĐBP Lai Châu lấy lời khai của đối tượng mua bán người

Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, cá

c đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi rồi đưa ra nước ngoài bán. Một thủ đoạn phạm tội mới là một số đối tượng người Việt Nam câu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam bộ đưa lên thành phố và một số tỉnh giáp ranh để tổ chức “xem mặt, chọn vợ” rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài.

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như: Lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới tính; lợi dụng công nghệ thông tin tuyển dụng lao động xuất khẩu trái phép; thiếu việc làm, đói nghèo; lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước... dẫn tới sự gia tăng tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em là cơ sở chính để bọn tội phạm mua bán người lợi dụng.

Kết hợp nhiều giải pháp

Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ, Cục Trẻ em được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã xây dựng Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người – số điện thoại 111.

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, Cục Trẻ em phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công An và Cục Phòng chống tội phạm ma túy- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội LHPNVN xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của Đường dây nóng 111.

MBN

Đường dây nóng phòng, chống mua bán người 111

Theo số liệu từ Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH), từ tháng 1/2019-11/2019, Đường dây nóng phòng chống mua bán người tiếp nhận 2.196 cuộc gọi, tăng 450 cuộc so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 1.921 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 242 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 33 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.

Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực miền núi Phía Bắc, chiếm tỉ lệ 32,7% trong tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng. Thứ hai là các tỉnh đồng bằng Sông Hồng với 22,3%. Tiếp đến là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với 16,4%; vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với 15,7%; khu vực Nam Trung bộ 6,8%. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên có số cuộc gọi tới đường dây nóng chỉ chiếm 5.9% và 1 cuộc gọi từ nước ngoài chiếm 0.1%

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong việc phòng, chống mua bán người thông qua Đường dây nóng 111 thời gian tới, thời gian tới cần tăng cường các hoạt động truyền thông về Tổng đài 111 ở khu vực biên giới để cán bộ, nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em biết và được tư vấn, trợ giúp của Tổng đài; Có kế hoạch điều tra cơ bản, xác minh địa bàn trọng điểm để có Kế hoạch phòng ngừa phù hợp với từng địa phương, kiềm chế thấp nhất số vụ mua bán người; Nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp tham gia công tác phòng, chống mua bán người; Mở rộng hoạt động Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; Tăng cường kết nối giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ trong công tác phòng, chống buôn bán người.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng trao đổi thông tin để đấu tranh với tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân bị mua bán. Để công tác xác minh, xác định và tiếp nhận nạn nhân được nhanh chóng và hiệu quả, cần xây dựng, thống nhất với các nước có nhiều nạn nhân bị mua bán về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hồi hương nạn nhân.

Nguồn: molisa.gov.vn