Skip to main content
Ban biên tập | 3 January 2020

         Ngày 25⁄12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Lao động, Người có công và Xã hội năm 2019; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, với sự tham gia của 63 điểm cầu trên cả nước.

         Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2019, phân tích những tồn tại hạn chế, làm rõ những nguyên nhân và bàn các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

         Năm nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

         1. Về công tác xây dựng thể chế: Trong năm 2020, số lượng văn bản Bộ phải xây dựng để ban hành hoặc trình ban hành rất lớn, đặc biệt là các văn bản trình Quốc hội, Chính phủ ban hành gấp hơn 2 lần trung bình hằng năm, dự kiến tổng số khoảng 80 đề án, bao gồm: 01 dự án luật, 01 hồ sơ gia nhập công ước, 48 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 25 nghị định, ưu tiên 11 Nghị định liên quan đến hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động) và 30 thông tư của Bộ trưởng. Một số đề án lớn, quan trọng và phức tạp như: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (theo cam kết của Quốc hội và Chính phủ), sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

         2. Phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu; triển khai thực hiện chính sách việc làm công, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp; mở rộng thị trường lao động ngoài nước.

         3. Về giáo dục nghề nghiệp, phải tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ hơn: Để giáo dục nghề nghiệp phát triển ở tầm cao mới, có những đóng góp xứng tầm vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải có những đột phá về quy mô, chất lượng, có những mô hình hiệu quả. Gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển.

         4. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14 và kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm. Thực hiện tốt các chính sách nâng cao mức sống người có công với cách mạng và gia đình, phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên là thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

         5. Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa nhà nước, xã hội và người dân, nhất là lĩnh vực phát triển bảo hiểm xã hội (Có những lĩnh vực, đối tượng Nhà nước phải đầu tư và hỗ trợ; có những lĩnh vực, đối tượng Nhà nước chỉ hỗ trợ; có những lĩnh vực, đối tượng để xã hội hóa). Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường, xâm hại trẻ em,...

http://pctnxh.molisa.gov.vn/App_File/userfiles/images/Anh-3b---5484.jpg

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

         Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm

Đây là một trong những nhiệm vụ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra trong năm 2020.

         Theo đó, trong năm 2019, các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 67.467 học viên. Các cơ sở cai nghiện ma túy và địa phương thực hiện các hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; điều trị nghiện bằng Methadone cho người nghiện và thí điểm các mô hình cai nghiện như: Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; mô hình "tiền xét xử" liên quan đến "Tòa ma túy"; quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy thuộc các xã khu vực biên giới. Tỷ lệ người nghiện ma túy được tham gia các chương trình điều trị cai nghiện so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 70%.

         Triển khai thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội, từng bước xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội cho nhóm người bán dâm ở cộng đồng tại 41 tỉnh, thành phố.

         Tổ chức hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị mua bán trở về; trong năm đã tổ chức giải cứu, xác minh 137 trường hợp nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân đã được hỗ trợ các chế độ ban đầu, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với những nạn nhân có nhu cầu theo đúng quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện mô hình thí điểm trợ giúp nạn nhân tại cộng đồng ở 10 tỉnh, thành phố trọng điểm. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân; kiểm tra công tác hỗ trợ nạn nhân tại các địa phương...

         Năm 2020, để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện hút ma túy; hoàn thiện hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm. Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ điều trị nghiện; hoàn thiện chính sách hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về hiểm họa và tác hại việc sử dụng ma túy mới (ATS) đối với thế hệ trẻ; về vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình người nghiện và các tổ chức xã hội trong công tác cai nghiện ma túy.

         Nâng cao hiệu quả quản lý tại các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung; phát triển các mô hình cai nghiện và quản lý sau cai có hiệu quả tại cộng đồng; đổi mới công tác quản lý sau cai nghiện, tổ chức cai nghiện cho 100% người nghiện ma túy có quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành  trên địa bàn trong việc phát hiện, lập hồ sơ quản lý đối tượng nghiện ma túy.

         Phát triển mạng lưới các cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và các phương pháp điều trị khác đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện cho người nghiện ma túy ở các địa phương. Phát triển các mô hình cai nghiện và quản lý sau cai có hiệu quả tại gia đình, cộng đồng; tăng cường quản lý, tư vấn, trợ giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng và chống tái nghiện. Khuyến khích các các tổ chức, cá nhân phát triển các mô hình, các hình thức cai nghiện phục hồi gắn với dạy nghề, tạo việc làm, giảm tái nghiện và hoà nhập cộng đồng sau cai nghiện.

         Tăng cường quản lý địa bàn, không để tệ nạn mại dâm gây bức xúc xã hội. Xây dựng, thí điểm các mô hình để từng bước hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng trong việc tư vấn tâm lý, pháp lý, sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp xã hội nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng bền vững; xây dựng mô hình phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng, chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng.

Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội vào các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

         Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán./.

Nguồn: pctnxh.molisa.gov.vn