Skip to main content
Ban biên tập | 4 October 2019

         Những năm qua, nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần quan trọng giúp các hộ vươn lên phát triển kinh tế. Để có được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), họ là những người ở cơ sở, gần dân nhất, luôn sát cánh cùng hộ nghèo trong quá trình sử dụng vốn.

         Hơn 10 năm trước, kinh tế gia đình chị Chu Thị Sen, thôn Kim Quán, xã Đình Lập, huyện Đình Lập rất khó khăn. Đất đồi rừng nhiều, nhưng hầu hết là đồi trọc, lại không có tiền để đầu tư. Giữa lúc khó khăn ấy, chị Sen được chị Nông Thị Khởi, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Kim Quán giới thiệu và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Với số vốn vay 30 triệu đồng, chị Sen đầu tư trồng hơn 1.500 cây thông, đồng thời chăn nuôi thêm lợn, gà và trồng hoa màu, theo phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”. Đến nay, 1.500 cây thông cho khai thác  nhựa, mang lại cho gia đình chị Sen khoản thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; gia đình thoát nghèo. Số vốn vay 10 năm trước đã trả xong, chị Sen vay tiếp 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo đầu tư chăm sóc và trồng mới rừng thông. Hiện nay, gia đình có hơn 4 ha thông, ít năm tới khi diện tích trồng mới cho khai thác dự kiến thu nhập của gia đình sẽ tăng lên vài trăm triệu đồng/năm.

Người dân thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng phát triển mô hình trồng na từ nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội

         Chị Sen chia sẻ: Nhờ vốn chính sách, tôi có cơ hội vươn lên nhưng trước hết phải cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn của tổ trưởng tổ TK&VV để tôi tiếp cận được với nguồn vốn và phát triển sản xuất có hiệu quả.

         Không chỉ gia đình chị Sen, thông qua hoạt động của 2.370 tổ TK&VV quản lý vốn tại các thôn, bản, khối phố, có hơn 70 nghìn lượt hộ trên địa bàn tỉnh được sử dụng vốn của NHCSXH để phát triển sản xuất với dư nợ đạt 2.858 tỷ đồng.

         Để giúp người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các tổ trưởng tổ TK&VV tích cực tuyên truyền về các chương trình vốn, quy định về thời hạn vay, mức vay, lãi suất, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn, thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Trong quá trình sử dụng vốn, tổ trưởng là người thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những vướng mắc, khó khăn được báo cáo kịp thời cho tổ chức hội trực tiếp quản lý và cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết.

         Hơn 10 năm làm công tác quản lý vốn tín dụng chính sách, chị Lăng Thị Nghị, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Điềm He 1, xã Văn An, huyện Văn Quan cho biết: “Hiện nay, tổ quản lý 5 chương trình tín dụng với dư nợ hơn 2 tỷ đồng, 39 hộ vay. Để quản lý hiệu quả nguồn vốn, sau 30 ngày giải ngân, tôi kiểm tra tình hình sử dụng vốn của các hội viên, nếu có hộ nào sử dụng chưa đúng mục đích, tôi sẽ đôn đốc, nhắc nhở ngay. Từ đó tổ viên có ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn”.

         Hằng tháng, tại các buổi giao dịch cố định tại xã, các tổ trưởng tổ TK&VV còn tham gia giao ban với ngân hàng để kịp thời nắm bắt chương trình, chính sách mới và phổ biến cho người dân, thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay để có hướng xử lý. Qua đó, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ thu lãi của NHCSXH tỉnh hiện đạt 99%, huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 79,3 tỷ đồng, số tổ TK&VV xếp loại khá, tốt chiếm 98%.

         Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh đánh giá: Tổ trưởng tổ TK&VV là những người nắm rõ tên tuổi, hoàn cảnh gia đình, mục đích vay vốn của hội viên. Do đó, từ khâu bình xét cho vay, kiểm tra, đôn đốc các hộ sử dụng vốn vay, trả nợ, lãi luôn kịp thời, nếu có khó khăn, vướng mắc sẽ kịp thời báo cáo với ngân hàng để có biện pháp xử lý. Trong 5 năm qua, các tổ TK&VV quản lý hiệu quả nguồn vốn đã góp phần giúp gần 30.000 hộ thoát nghèo và gần 8.000 lao động được tạo việc làm…

Nguồn: baolangson.vn