Skip to main content
Ban biên tập | 16 July 2018

          Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ  Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng, thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng; đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công trong phạm vi toàn quốc.

tiep tuc thi diem

Ông Nguyễn Xuân Lập (đứng). Ảnh: Nhật Thy

          Hiệu quả mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng

          Trong những năm qua, một số tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình, An Giang, Lào Cai đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các dự án của các tổ chức quốc tế (Quỹ Châu Á, Tầm nhìn Thế giới, Tổ chức vòng tay Thái Bình, Tổ chức Di cư quốc tế, Liên minh phòng, chống mua bán người...) thực hiện xây dựng một số mô hình tại cộng đồng.

          Tỉnh Lào Cai với mô hình “Nhà nhân ái”; tỉnh An Giang với mô hình “Ngôi nhà tình thương cho nạn nhân bị mua bán trở về”. Các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình với mô hình “Nhóm Tự lực”; tỉnh Nghệ An với chương trình “Phòng, chống mua bán người qua biên giới” tại một số huyện giáp ranh đường biên giới của tỉnh Nghệ An.

          Các mô hình được thành lập với mục đích hỗ trợ cho đối tượng có nguy cơ bị buôn bán và bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ nhu cầu thiết yếu như giáo dục kỹ năng sống, lưu trú, học văn hóa, học nghề, thăm khám y tế.

          Với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố, Sở LĐTB&XH một số tỉnh, thành phố đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng một số mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng như thành phố Hải Phòng với mô hình "Nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng". Tỉnh Khánh Hòa với mô hình tư vấn nhóm cho nạn nhân bị mua bán và nhóm người có nguy cơ cao tại các địa bàn trọng điểm. Mô hình đã triển khai tư vấn nhóm cho 952 người có nguy cơ cao tại các địa bàn. Tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu với mô hình “Phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, người có nguy cơ cao phòng, tránh lây nhiễm HIV”. Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Phú Thọ với mô hình “Kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS”.

          Các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng đã được các địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững, nguồn vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cho cuộc sống.

          Cần tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình

          Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, hiện nay tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục có diễn biến phức tạp, với thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính xuyên quốc gia với nhiều đường dây, băng nhóm có sự câu kết giữa các đối tượng cả trong và ngoài nước .

          Vì vậy, nhiệm vụ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong thời gian tới là rất nặng nề. Các Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng chính sách pháp luật về công tác hỗ trợ nạn nhân, từ đó đề xuất, sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Nghiên cứu, khảo sát, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ hỗ trợ phục hồi cho nạn nhân bị mua bán trở về. Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ ngành LĐTB&XH và các cơ quan ban ngành liên quan để thực hiện tốt quy trình hỗ trợ nạn nhân và giúp họ hòa nhập cộng đồng.

          Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, thí điểm các mô hình hỗ trơ nạn nhân tại cộng đồng; đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công trong phạm vi toàn quốc; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm về mua bán người; nâng cấp trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân…

          Đối với các tỉnh, thành phố, hàng năm cần quan tâm, bố trí kinh phí trong ngân sách nhà nước cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; chỉ đạo các ban, ngành liên quan thực hiện lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân với các chương trình kinh tế - xã hội khác của địa phương như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm...; huy động mọi nguồn lực trong công tác hỗ trợ, từng bước xã hội hóa, khuyến khích người dân và các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia đóng góp trong việc hỗ trợ các nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, Sở LĐTB&XHác tỉnh, thành phố trọng điểm về nạn mua bán người cần chủ động nghiên cứu, xây dựng mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm, tình hình địa phương.

Nguồn: tiengchuong.vn