Skip to main content
Ban biên tập | 19 August 2019

         Lạng Sơn hiện có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài hơn 120 km đi qua 5 huyện và thành phố Lạng Sơn với hàng chục đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt và hàng trăm lối đi tự mở qua đường sắt. Tại những điểm giao cắt này, khi người tham gia giao thông di chuyển qua đường sắt không chú ý quan sát, không chấp hành quy định đảm bảo an toàn giao thông thì nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt rất lớn.

         Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đường sắt xảy ra 75 vụ tai nạn, làm chết 53 người, bị thương 30 người; so với cùng kỳ năm 2018 tăng 14 vụ, tăng 4 người chết, tăng 5 người bị thương. Chỉ riêng trong tháng 7 năm 2019, xảy ra 3 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ngãi, Bình Thuận làm 6 người chết, 6 người bị thương.

         Còn tại Lạng Sơn, 6 tháng đầu năm 2019, tai nạn đường sắt xảy ra 1 vụ làm 1 người chết, so với cùng kỳ tăng 1 vụ, 1 người chết. Gần đây nhất vào hồi 15 giờ ngày 1/8/2019, tại km 152+740 tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn (đoạn vào khu đô thị Nam Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) xảy ra 1 vụ tai nạn giữa xe ô tô tải và tàu khách chạy hướng Đồng Đăng – Hà Nội, khiến lái xe ô tô bị thương. Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn đường sắt đều do người tham gia giao thông khi qua các đoạn đường giao nhau với đường sắt không chú ý quan sát, không tuân thủ các tín hiệu cảnh báo, biển báo của ngành đường sắt.

Phương tiện tham gia giao thông cố tình vượt qua rào chắn tại điểm giao nhau giữa đường Trần Phú, thành phố Lạng Sơn với đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn

         Theo thống kê của ngành chức năng, tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh hiện nay có 18 đường ngang có rào chắn và có người gác, 2 đường ngang có rào chắn tự động, 8 đường ngang có biển báo đầy đủ, khoảng 170 lối đi do người dân tự mở qua đường sắt. Bà Ma Thị Di, nhân viên gác chắn Cung Tam Lung km 159 + 085 tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn chia sẻ: Hằng ngày, mỗi khi có điện báo giờ chạy tàu từ Ga trung tâm, chúng tôi đều thực hiện đầy đủ các bước đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông đi qua đường giao nhau với đường sắt trước khi tàu đến, cụ thể như: bật đèn tín hiệu, chuông cảnh báo, kéo gác chắn… để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn có người cố tình điều khiển phương tiện qua gác chắn, vì không có chức năng xử phạt nên chúng tôi đành chịu và hy vọng không có tai nạn đáng tiếc xảy ra.

         Trung tá Nguyễn Văn Quảng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường sắt, Phòng CSGT – Công an tỉnh cho biết: Để đảm bảo ATGT đường sắt, điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng đối với việc chấp hành các quy định về ATGT cũng như việc bảo vệ công trình giao thông. Từ đầu năm đến nay, Đội CSGT đường sắt đã tổ chức 102 ca tuần tra kiểm soát tại 41 lượt ga, cung đường, 398 lượt đường ngang có người gác, 6 lượt tàu khách và nhân viên phục vụ tàu. Qua kiểm tra, đội đã phát hiện và lập biên bản 4 nhân viên bỏ vị trí công tác tại đường ngang, đề nghị đơn vị quản lý trực tiếp kiểm điểm nhân viên vi phạm. Đồng thời, đội đã tổ chức được 2 buổi tuyên truyền, phát trên 600 tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt cho trên 600 học sinh, cán bộ, giáo viên tại 2 trường học trên địa bàn huyện Chi Lăng, Hữu Lũng có trường học gần đường sắt chạy qua.

         Có thể thấy, mặc dù các cơ quan chức năng, các cấp, ngành đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng tai nạn giao thông đường sắt vẫn xảy ra mà hầu hết đều do người tham gia giao thông chủ quan, không chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT đường sắt. Chính vì vậy, để bảo đảm ATGT đường sắt, nhất là tại các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt thì cùng với  việc các cấp, ngành, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT thì hơn hết, người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức tự phòng ngừa, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông để đảm bảo an toàn cho chính mình.

Nguồn: baolangson.vn