Skip to main content
Ban biên tập | 16 July 2018

          Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) các cấp đã và đang có những hành động tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người, trong đó cần phải kể đến công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng an toàn và bền vững.

          Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trong cả nước. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số chị em, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, bọn tội phạm đã dụ dỗ, lôi kéo và lừa bán họ để trục lợi, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

          Bà Đặng Hương Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, ngay sau khi nạn nhân bị mua bán trở về, Hội LHPN tiếp nhận, hỗ trợ và tư vấn để cho họ bước đầu có sự lựa chọn giải pháp, hướng đi đúng trong việc giải quyết những khó khăn mà họ đang phải trải qua; giúp họ giảm bớt mặc cảm, ổn định tâm lý để hoà nhập cuộc sống cộng đồng và phòng ngừa họ không bị mua bán trở lại; chủ động tiếp cận, nắm bắt những tâm tư, tình cảm và nhu cầu công việc để có hướng giúp đỡ lâu dài, bền vững.

phat huy

Bà Đặng Hương Giang chia sẻ về những mô hình hỗ trợ nạn nhân của Hội LHPN Việt Nam. Ảnh Nhật Thy

          Hội LHPN các cấp như một đơn vị chuyển tuyến, chuyển các nạn nhân bị mua bán trở về tới các cơ sở công tác xã hội để chị em được nhận các dịch vụ hỗ trợ về nơi ăn ở an toàn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ pháp lý.

          Sau khi nạn nhân bị mua bán đã được tiếp nhận và hỗ trợ tại các cơ sở công tác xã hội, Hội Phụ nữ cơ sở lại tiếp tục kết nối nhằm hỗ trợ chị em trở về với gia đình một cách an toàn; hỗ trợ chị em làm giấy tờ tùy thân (CMND, giấy khai sinh cho con...); quan tâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được hưởng lợi từ các hoạt động, các chương trình xã hội của địa phương cũng như được bảo vệ quyền lợi chính đáng... Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cơ sở lại chính là những người gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tình hình đời sống của chị em và lại là sợi dây kết nối với các cơ sở hỗ trợ khi nạn nhân tiếp tục cần sự trợ giúp. Mặc dù không phải nạn nhân nào bị mua bán trở về cùng trở về quê quán sau khi rời các Trung tâm hỗ trợ nạn nhân, nhưng thực tế đã kể trên cho thấy Hội LHPN các cấp ở các địa phương đã quan tâm tới đối tượng này, từ đó góp phần hỗ trợ chị em tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.

          Bà Đặng Hương Giang cho biết, đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, Hội LHPN các tỉnh đều có hoạt động phối hợp, giao lưu với tỉnh bạn tăng cường truyền thông và quản lý hội viên phụ nữ di cư qua biên giới để  phòng chống mua bán người. Tại các địa bàn nguy cơ, Hội đã chú trọng việc xây dựng một số mô hình phòng, chống mua bán người có hiệu quả tại cộng đồng như: Nhóm tự lực, Đội tuyên truyền viên nòng cốt, Câu lạc bộ (CLB) nữ chủ nhà trọ, Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Trung tâm hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng… Từ mô hình nhóm nòng cốt hỗ trợ cộng đồng của 2 tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn triển khai năm 2010, Trung ương Hội đã nhân rộng ra 9 xã của 3 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Kiên Giang trong năm 2011. Đến nay đã có 35 nhóm nòng cốt với gần 400 thành viên tham gia, duy trình sinh hoạt 5.000 CLB phòng, chống mua bán người.

          Một mô hình đáng chú ý là CLB phòng chống buôn bán phụ nữ- trẻ em gắn với CLB Quyền phụ nữ và trẻ em. Xuất phát từ vấn đề nóng bỏng tại thôn Thào Chư Phìn - xã Thào Chư Phìn là tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em, phụ nữ và trẻ em bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân, tháng 10/2014, Hội LHPN huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo thành lập CLB phòng chống mua bán phụ nữ- trẻ em gắn với CLB Quyền phụ nữ và trẻ em với 42 thành viên, trong đó có 5 nam giới và 100% là dân tộc H’Mông. CLB duy trì sinh hoạt 2 tháng/lần với các chủ đề: Phòng chống mua bán phụ nữ- trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình thông qua các hình thức như: Truyền thông trực tiếp, thảo luận, sân khấu hóa...

          Nhờ vậy, các thành viên CLB không chỉ được cung cấp kiến thức mà còn trở thành các tuyên truyền viên tại địa phương, góp phần cải thiện tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân. Từ hiệu quả hoạt động của CLB phòng chống mua bán phụ nữ- trẻ em, đến nay mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với 83 CLB/9 huyện, thành phố. Xuất phát từ yêu cầu bức thiết, các CLB được nhân rộng ngay cả khi không có sự hỗ trợ của cấp trên và hoạt động đạt hiệu quả, đảm bảo yêu cầu, mục đích đề ra.

          Mô hình trên chỉ là một trong số rất nhiều mô hình của Hội về việc hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khỏi nguy cơ bị mua bán. Trong giai đoạn 2011 - 2016 Hội đã vận động các nguồn tài trợ để thực hiện thành công mô hình Ngôi nhà bình yên hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước (Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế). Ngôi nhà Bình yên tại thành phố Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ đã tiếp nhận, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề cho 405 nạn nhân bị mua bán, trong đó đã hồi gia 385 trường hợp. Với mô hình này, Hội LHPN Việt Nam đã thể hiện sự vào cuộc và cam kết rất cao trong hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về, góp phần cùng các ban, ngành, xã hội thực hiện đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ theo Luật, xây dựng mô hình tổng thể trong phòng chống mua bán người ở nước ta.

          Theo bà Đặng Hương Giang, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là một công tác toàn diện, phức tạp, liên quan đến các vấn đề tâm lý, giáo dục và giáo dục lại, hỗ trợ hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng. Việc thực hiện có hiệu quả công tác này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp trong hoạt động phòng chống mua bán người từ khâu phòng ngừa đến khâu đấu tranh, trấn áp tội phạm và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chính là thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an toàn trật tự xã hội và ổn định chính trị tại địa phương./.

Nguồn: tiengchuong.vn