Skip to main content
Ban biên tập | 16 July 2018

          Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã tiến hành tổ chức tập huấn về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho cán bộ Lao động xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh và cán bộ làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. 

          Điển hình, tỉnh Lạng Sơn, đã tổ chức 8 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho gần 1.400 lượt cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có lồng ghép nội dung công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; đồng thời hướng dẫn cho cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người tại cơ sở thực hiện các bước trong quá trình tiếp nhận, hỗ trợ, chuyển tuyến nạn nhân theo quy định của pháp luật. Tỉnh Tuyên Quang, Sở  Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 16 lớp tập huấn cho 828 lượt cán bộ là thành viên Ban chỉ đạo 138 cấp huyện, xã, phường, thị trấn và một số cộng tác viên, các chi hội, đoàn thể cấp cơ sở thuộc các xã trọng điểm về tội phạm mua bán người.

          Tại Hà Giang, tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 350 cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn bản về công tác tuyên truyền, chế độ hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về. Tỉnh Nam Định, tổ chức 10 lớp tập huấn (mỗi huyện, thành phố là 1 lớp tập huấn) cho 1.300 đại biểu đại diện chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể, Lao động- Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã nhằm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và trang bị cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở nắm được nội dung những văn bản, chính sách mới về công tác phòng, chống mua bán người.

          Bên cạnh việc mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở trực tiếp làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với các tổ chức, các ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, truyền thông về thực hiện công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; đồng thời, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng, sinh động, cụ thể, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt, hội họp khu dân cư ở địa phương, tờ rơi tuyên truyền về chương trình phòng, chống mua bán người, lồng ghép với các lớp hội nghị, tập huấn phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, thiết lập và vận hành đường dây nóng để hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp nhận, hỗ trợ khi có nạn nhân bị buôn bán.

          Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức 83 lớp truyền thông về phòng, chống tội phạm mua bán người tại các xã, phường, thị trấn, các trường học với hơn 7.100 lượt đại biểu là đại diện đoàn thể cấp xã, hội viên hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên, tổ trưởng, tổ phó tổ địa bàn dân cư, giáo viên, học sinh tham dự. 

          Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hậu Giang phối hợp với các ngành, các cấp, Ban chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai công tác tuyên truyền pháp luật, quán triệt trên cơ sở các văn bản Trung ương, tỉnh bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng, sinh động có trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có mua bán người. Qua đó tuyên truyền lồng ghép dược 1.896 cuộc có 79.341 lượt người dự.

          Tại Đồng Nai, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục phòng ngừa mua bán người trên các địa bàn dân cư; đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao nhận thức phòng ngừa tại cộng đồng cho các đối tượng có nguy cơ cao.

          Tỉnh Sơn La, phát hành 23.000 tờ rơi tuyên truyền công tác phòng, chống mua bán người, quảng bá đường dây nóng phòng, chống mua bán người "18001567" tới các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tỉnh Hà Giang cũng đã tổ chức 522 buổi tuyên truyền cho nhân dân tại các phiên chợ, trường học, thôn bản, thu hút trên 16.000 lượt người tham gia; kết hợp tuyên truyền trên các tài liệu khuyến nông, tài liệu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trên trang thông tin của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trên báo và đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh./.

Nguồn: tiengchuong.vn