Skip to main content
Ban biên tập | 4 August 2019

          Năm năm điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện, chương trình Methadone tại Lạng Sơn đã vượt lên sự giảm hại, hướng tới những mục tiêu mang tính tổng quát, toàn diện, mang lại niềm hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình, đáp ứng sự mong chờ của xã hội.

          Lời giải cho những cuộc đời

          Trước đây con trai ông Nông Quang H. (huyện Tràng Định) được yêu chiều, buông lỏng quản lý, sinh ra nghiện. Lương của hai ông bà chẳng đủ  để thằng con  nướng vào ma túy. Con trai ông H đã đi cai nghiện nhiều nơi, từ Bắc Kạn, đến Tuyên Quang, Thái Nguyên… nhưng đâu lại vào đấy. Xích con vào chân giường, nhưng nhìn nó vật vã trong cơn đói thuốc, tình thương bản năng của người mẹ  lại trỗi dậy, thôi thì cho nó đã cơn nghiện, rồi ra sao thì ra.  Cuối năm 2014, nghe tin có chương trình Methadone tại Lạng Sơn, gia đình ông quyết định bán nhà dồn tiền mua đất dựng nhà tại thành phố và xin cho con tham gia. Chỉ sau mấy tháng, con trai ông bà đã có chuyển biến rõ rệt, tần suất dùng ma túy giảm dần và chỉ còn một lần/ tuần. Người tăng cân, khỏe ra, yêu đời hơn. Tháng 4/2017, anh cưới vợ và cách đây một năm đã “đền công” ông bà  bằng đứa “cháu vàng cháu bạc”.

 

Bác sĩ cơ sở điều trị Methadone Trung tâm kiểm soát bệnh tật

 khám “khởi liều” cho bệnh nhân

          Cô Nguyễn Thanh Q. ở thành phố Lạng Sơn có người yêu tham gia chương trình Methadone tâm sự: Bạn cháu đã tham gia được hai năm.  Vài lần bất ngờ test thử thấy âm tính, cháu rất phấn khởi. Thực ra anh cũng đã tham gia từ năm 2015, song lại bỏ, vì chưa hiểu biết nhiều về methadone và chưa đủ quyết tâm.  Lần này, kiến thức về methadone đã đầy đủ hơn, gia đình đồng thuận, bạn bè ủng hộ, điều kiện tham gia và theo đuổi chương trình cũng tốt hơn. Trước đây, cai nghiện là một bài toán khó đối với bạn cháu, nhưng với methadone,  không chỉ anh ấy, mà hàng ngàn con người đã tìm được lời giải cho mình. Mẹ bạn trai cháu là người thương con vô điều kiện, vì đối với bà, con trai là tất cả;  khi con nghiện ngập, bà ấy đã nghĩ đến việc bán hết tất cả nhà, đất để con trai dùng ma túy rồi hai mẹ con cùng nhảy cầu tự vẫn. Thật may, Methadone đã đến kịp thời để cứu giúp một con người, một gia đình.

          Đó chỉ là vài trong số gần 1.500 trường hợp tham gia chương trình Methadone.  Bác sĩ  Nguyễn Văn Tuyên, Phó phòng khám Đa khoa, chuyên khoa, phụ trách Methadone, Trung tâm kiểm soát bệnh tật: “Không thể kể hết những trường hợp được đổi đời như thế.  Khi con người thực sự bị heroin dồn vào ngõ cụt, thì methadone đã mở ra cho họ con đường sáng và thật rộng trước mặt để họ  được sống làm một con người tử tế”.

          Chương trình “đa mục tiêu”

          Từ đợt khởi liều methadone đầu tiên ngày 5/8/2014 với 15 bệnh nhân, đến nay lũy tích toàn tỉnh đã có 3.295 bệnh nhân, trong đó có 1.477 bệnh nhân đang điều trị, đạt 184,6% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 98,5% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Trong số 1.130 bệnh nhân ra khỏi chương trình, đã có nhiều bệnh nhân từ  thực hiện giảm liều đến cai nghiện hê-rô-in thành công, sau đó cũng không cần dùng methadone.  Trong hai năm đầu, toàn tỉnh chỉ có một cơ sở điều trị tại trung tâm thành phố Lạng Sơn, khiến cơ sở này luôn trong tình trạng quá tải và nhiều người bệnh gặp khó khăn về đi lại. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, với quyết tâm cao, chỉ trong ba năm, Lạng Sơn đã xây dựng thêm 8 cơ sở điều trị Methadone tại các huyện và 8 cơ sở cấp phát thuốc khu vực;  đưa methadone đến gần người dân hơn, tạo điều kiện cho người bệnh yên tâm điều trị. Song song với mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, thực hiện kịp thời những chính sách đặc thù  cho những người làm công tác methadone, các cơ sở điều trị đã thực hiện tốt phác đồ điều trị do Bộ Y tế đề ra, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong đăng ký, thuyên chuyển, đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý, chú trọng công tác tư vấn, liên hệ chặt chẽ với gia đình bệnh nhân để thực hiện chăm sóc tốt hơn, nhắc nhở bệnh nhân đi uống thuốc đúng giờ, tránh bỏ điều trị.

          Nỗ lực đã mang lại hiệu quả rất rõ ràng, kết quả xét nghiệm và đánh giá bước đầu cho thấy: sau 1 tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng hê-rô-in là 92,1%, sau 3 tháng chỉ còn 39,3% và sau 6 tháng trở lên chỉ còn dưới 20%. Từ chỗ có tới 90% bệnh nhân không có việc làm khi tham gia chương trình, sau 3 năm, tỷ lệ bệnh nhân có việc làm đã lên trên 70%.

          Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  Lạng Sơn – người đã có nhiều đóng góp  vào Chương trình Methadone cho biết:  trung tâm và ngành y tế sẽ có những đánh giá đầy đủ về chương trình Methadone sau 5 năm triển khai, song điều dễ nhận thấy là sau một thời  gian tham gia chương trình, bệnh nhân đã giảm tần suất sử dụng ma túy dẫn đến giảm các hành vi tội phạm liên quan đến ma túy; giảm tỷ lệ tử vong do dùng ma túy quá liều, đồng thời giúp tăng hiệu quả điều trị HIV bằng thuốc kháng vi-rút ARV, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Như vậy, vượt qua mục tiêu giảm hại trong phòng chống HIV/AIDS, chương trình đã có tác động về nhiều mặt, từ y tế đến an ninh trật tự, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nguồn: baolangson.vn