Skip to main content
Ban biên tập | 30 August 2019

          Ngày 27/8/2019, Đoàn giám sát số 02 của Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tiếp và việc với đoàn có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu tại buổi làm việc

          Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (BVCSGDTE). Công ttác tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác BVCSGDTE được đẩy mạnh thông qua các hình thức phong phú; tích cực xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh phòng, chống xâm hại trẻ em với 1.540 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 142 mô hình phòng chống bạo lực gia đình; 710 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, 22 "Ngôi nhà an toàn" phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em... Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, hiệu quả công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại, hàng năm tổ chức từ 2-3 cuộc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ 01/01/2015 đến 30/6/2019, trên toàn tỉnh xảy ra 87 vụ xâm hại trẻ em, tổng số vụ vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em đã bị xử lý là 14 vụ, 23 đối tượng, với 30 em bị xâm hại, khởi tố, truy tố 60 vụ với 84 bị can.

          Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, những hạn chế, vướng mắc và những kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới.

 

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

          Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, tích cực thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thanh tra, kiểm tra, tập trung nguồn lực… Sau chương trình làm việc này, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn đã được chỉ ra, đối với những vấn đề phức tạp, dài hạn, tỉnh sẽ có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương xem xét, có riêng 01 Chương trình MTQG về chăm sóc, giáo dục trẻ em. 

Trưởng đoàn giám sát kết luận

          Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận những kết quả tích cực tỉnh đạt được trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua; đoàn cũng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, cầu thị và đổi mới của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là nhiệm vụ khó, phức tạp, do đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể của từng ngành chức năng. Đề nghị tỉnh có văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện công tác này trong thời gian tới; tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; có dự báo về tình hình thời gian tới để đề ra các giải pháp phòng ngừa hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả, đa dạng, đổi mới; quan tâm tới công tác tập huấn, điều tra, truy tố, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đoàn ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét./.

Phương Linh