Skip to main content
Ban biên tập | 11 January 2019

         Trong công cuộc đổi mới, xây dựng kinh tế-xã hội, hơn 25 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo, xác định phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

         Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2010 là:" Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh". Do vậy, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) không những góp phần quan trọng trong việc xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ, năng lực làm việc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh mà còn đóng góp to lớn vào nhiệm vụ giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội.

         Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, những năm qua, công tác phòng chống ma túy, mại dâm đã thu được những kết quả quan trọng: hệ thống chính sách, pháp luật ngày một hoàn thiện và đi vào cuộc sống; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, phong trào quần chúng được đẩy mạnh; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành; hệ thống giải pháp ngày càng đồng bộ, đổi mới và có chiều sâu; đội ngũ cán bộ chuyên trách và cơ sở vật chất phòng,. chống TNXH được củng cố; nhiều địa bàn trọng điểm về TNXH đã được chuyển hóa theo hướng tích cực; công tác phòng, chống TNXH ngày càng gắn kết, lồng ghép chặt chẽ với các các chương trình phát triển kinh tế xã hội, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

         Về công tác cai nghiện ma túy, hệ thống Cơ sở cai nghiện đã được quy hoạch theo hướng đa dạng hóa các biện pháp, hình thức điều trị cai nghiện (bắt buộc, tự nguyện, điều trị thay thế…) và quy mô phù hợp với tình hình và nhu cầu cai nghiện ma túy từng địa phương, vùng miền. Thủ tục đưa vào cai nghiện bắt buộc từ chỗ do Chủ tịch UBND quyết định trước đây, nay do Tòa án quyết định, đảm bảo quyền công dân theo hiến định. Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện tự nguyện với thủ tục thông thoáng, tạo điều kiện khuyến khích người nghiện tham gia cai nghiện để tăng người cai nghiện tự nguyện.

         Vấn đề chất lượng, hiệu quả cai nghiện được quan tâm thông qua việc xây dựng các tài liệu về tư vấn điều trị, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ chuyên môn trên cơ sở thực tiễn và hợp tác quốc tế. Đã khắc phục một bước tình hình cơ sở vật chất xuống cấp của các Cơ sở cai nghiện thông qua đó góp phần hạn chế tình trạng bỏ trốn của học viên. Nhiều mô hình cai nghiện mới xuất hiện, trong đó, đáng chú ý là mô hình xây dựng cơ sở cai nghiện thân thiện, kết nối chặt chẽ với cộng đồng; mô hình Điểm tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng trong việc tư vấn, hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người cai nghiện trở về hòa nhập cộng đồng bền vững; mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện phân công kèm cặp giúp đỡ người nghiện; mô hình xây dựng các Câu lạc bộ, các tổ nhóm tự lực, đồng đẳng của người sau cai tự giúp đỡ nhau… Chính sách cho gia đình người cai nghiện vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống dù mới đang thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố nhưng đã mang lại những kết quả khả quan, qua đó làm giảm sự kỳ thị của cộng đồng với người nghiện.

         Một trong những điểm nhấn của công tác phòng, chống mại dâm thời gian qua là, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật, tác hại của tệ nạn mại dâm, phòng ngừa cho thanh thiếu niên không sa vào tệ nạn này và cảnh giác trước những thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em làm mại dâm, tăng cường xử lý theo pháp luật các vi phạm về phòng chống mại dâm thì các mô hình giảm tác hại, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm đã được các địa phương triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp giúp đỡ chị em trong việc tư vấn, khám chữa bệnh, phòng chống HIV/AIDS, bạo hành, bạo lực, bóc lột… thì ba mô hình giảm tác hại đang được triển khai (Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới). Việc thực hiện chính sách cho vay vốn làm ăn đã giúp nhiều chị em chuyển đổi công việc trước đây, dần ổn định cuộc sống.

         Mỗi năm, hàng trăm nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ kịp thời về ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, trợ cấp pháp lý, trợ cấp khó khăn, ổn định cuộc sống thông qua các chương trình dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm. Công tác tập huấn cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân được chú trọng. Chính sách, chế độ đối với nạn nhân tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho họ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

         Nhìn tổng thể, công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và có nhiều kết quả quan trọng nhưng tình hình ma túy vẫn diễn biến phức tạp, nhiều loại ma túy tổng hợp mới, hết sức độc hại thâm nhập vào nước ta trong khi chưa có phác đồ điều trị. Số người nghiện vẫn tiếp tục tăng và có xu hướng trẻ hóa, số người tái nghiện vẫn chiếm tỷ lệ cao, người hòa nhập cộng đồng bền vững còn hạn chế, chất lượng cai nghiện của nhiều địa phương còn thấp, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo, huy động nguồn lực và bố trí ngân sách một số nơi chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

         Tệ nạn mại dâm vẫn tồn tại trên nhiều địa bàn với những phương thức hoạt động tinh vi, trá hình mới, gây bất bình trong nhân dân. Các dịch vụ tiếp cận, hỗ trợ người bán dâm còn ít và hoạt động chưa hiệu quả. Số người bán dâm hòa nhập cộng đồng chưa nhiều. Công tác phòng ngừa cho thanh thiếu niên thông qua giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ những phụ nữ khó khăn về kinh tế, khủng hoảng về cuộc sống còn nhiều hạn chế. Còn có sự khác nhau về nhận thức, quan điểm về quản lý vấn đề mại dâm trong một bộ phận cán bộ và nhân dân.

         Để thực hiện các mục tiêu của Đảng đề ra và từ thực tiễn, đòi hỏi trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống TNXH. Trong mọi hoạt động, cần quán triệt các nguyên tắc của Chỉ thị 33 CT/TW ngày 01/4/1994 của Ban Bí thư về Lãnh đạo công tác phòng chống TNXH: "Điều kiện quyết định để phòng, chống có kết quả các tệ nạn xã hội là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát động được phong trào nhân dân, tăng cường sự quản lý của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò tích cực của các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nước".

         Đối với công tác phòng ngừa nghiện ma túy, cần tiếp tục phát động phong trào nhân dân và vai trò tích cực của các đoàn thể xã hội để làm tốt công tác phòng ngừa từ gia đình, cộng đồng, nhà trường, nơi làm việc. Với tinh thần "Bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy", các hoạt động phòng ngừa cần đổi mới sâu sắc, vừa mang tính phổ cập đến với mọi tầng lớp nhân dân, vừa tập trung cho các đối tượng có nguy cơ cao dẫn đến nghiện ma túy. Cần khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình dự phòng nghiện một cách bài bản và hiệu quả.

         Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 và Chương trình đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ xã hội hỗ trợ người nghiện ma túy giai đoạn 2016 - 2020. Tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực vào công tác điều trị và cai nghiện ma túy. Tăng cường công tác quản lý người sử dụng, người nghiện, người cai nghiện ma túy và đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

         Xây dựng các tiêu chí xác định mức độ lạm dụng, nghiện ma túy và phác đồ điều trị nghiện, rối loạn do sử dụng ma túy phù hợp với các quy định pháp lý và thực tế trong nước; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy.

         Tiếp tục rà soát, quy hoạch, nâng cấp, cải tạo các cơ sở cai nghiện ma túy theo hướng đa chức năng, thân thiện và dễ tiếp cận đối với người nghiện. Nghiên cứu, đổi mới công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phù hợp tình hình thực tế. Nghiên cứu, thí điểm, xây dựng quy trình và tiến hành điều trị nghiện ma túy có hiệu quả với từng loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

         Nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi công năng các cơ sở cai nghiện ma túy, điều trị lồng ghép điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại cộng đồng hoặc theo cụm xã, phường, thị trấn; hỗ trợ công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hạn chế người nghiện bỏ việc điều trị, khuyến khích cai nghiện tự nguyện; thí điểm và nhân rộng các mô hình cai nghiện và quản lý người nghiện kết hợp với dạy nghề, tạo việc làm theo hướng xã hội hóa.

         Quán triệt quan điểm lấy phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm. Chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội. Tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế vào hệ thống an sinh xã hội. Từng bước xã hội hóa, xây dựng cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường...) vào công tác phòng ngừa mại dâm.

         Tăng cường công tác truyền thông, phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, các địa phương nghèo, địa phương có nhiều người di cư để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm. Thực hiện chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua các buổi thảo luận nhóm, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp; các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học...; chú trọng nhóm có nguy cơ cao (học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, nữ thanh, thiếu niên, người lao động nhập cư tại các khu công nghiệp,... đặc biệt là nhóm lao động di cư, tìm việc làm tại nơi khác) nhằm bảo đảm việc di cư lao động an toàn.

         Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông phòng ngừa, phòng, chống mại dâm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện tốt Chương trình phối hợp truyền thông giữa Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

         Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình vay vốn, giải quyết việc làm. Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.Huy động Đội công tác xã hội tình nguyện tham gia tuyên truyền và tiếp cận hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm.

         Xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs), các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm./.

Nguồn: pctnxh.molisa.gov.vn