Skip to main content
Ban biên tập | 12 August 2019

          Ngày 11/8/2019, Ngày hội Na Chi Lăng lần thứ 3 năm 2019 do huyện Chi Lăng tổ chức, diễn ra tưng bừng hơn hẳn những năm trước. Sự kiện được tổ chức không chỉ tạo điều kiện cho những người trồng na giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy giao thương mà còn là nơi quảng bá những sản phẩm nông sản khác của địa phương. Hàng nghìn du khách từ khắp nơi đã về với mảnh đất Chi Lăng để tham dự ngày hội hoa quả đặc sắc này.

          Na Chi Lăng hút khách!

          Gần 30 gian hàng trưng bày quả na tại Ngày hội Na Chi Lăng của các xã trồng na là điểm nhấn hút khách nhất tại ngày hội na năm nay. Giờ khai hội chưa đến nhưng du khách đã đứng chật các gian hàng để chiêm ngưỡng và chọn cho mình những quả na ưng ý được bày trên những chiếc rỏ tre mộc mạc, nhưng vô cùng ấn tượng. Những quả na to, mắt đều, có quả đến cả hơn 1kg. Đặc biệt, vụ na năm 2019, người trồng na trên địa bàn huyện Chi Lăng đã “trình làng” sản phẩm “na Nữ hoàng” có trọng lượng to nhất từ trước đến nay (mỗi quả nặng từ 800g đến 1,2 kg). Đây là giống na mới, được người dân trồng thử cách đây khoảng 4 năm tại các xã Chi Lăng, Quang Lang và thị trấn Đồng Mỏ.

Khách du lịch mua na tại Trung tâm giới thiệu nông sản huyện

          “Na Nữ hoàng” có đặc điểm quả to, chất lượng dinh dưỡng tương đương với giống na dai, bở truyền thống nhưng lượng đường lại thấp hơn. Đầu mùa, “na Nữ hoàng” có giá bán khoảng 80 nghìn đồng/kg, hiện tại giá bán tại Trung tâm giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng là 150 nghìn đồng/kg. Ngay trong ngày giới thiệu hôm nay, “na Nữ hoàng” đã hút khách trong và ngoài tỉnh và đã bán được gần 1 tấn, hiện đang cháy hàng vì số lượng có ít.

          Không chỉ “na Nữ hoàng”, tất cả những gian hàng bày na VietGap của các xã như Quang Lang, Chi Lăng, Thượng Cường và thị trấn Đồng Mỏ… đều thu hút sự quan tâm của du khách thập phương.

          Anh Đoàn Thành Công, Bí thư Huyện đoàn Chi Lăng vui mừng chia sẻ: Năm nay, Huyện đoàn cũng được bố trí một gian hàng. Gian hàng bày bán na do đoàn viên, thanh niên trồng. Từ sáng đến chiều, hơn 1 tấn na của thanh niên mang đến đã bán hết veo. Số tiền thu được Huyện đoàn sẽ dành để hỗ trợ kinh phí cho các xã trong việc xây sân chơi cho thiếu nhi.

          Ông Hoàng Văn Thoan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Lang cho biết, năm nay, Quang Lang vui mừng đạt giải nhất về gian hàng đẹp. Vui hơn nữa là sản phẩm na dai, na Nữ hoàng của bà con bày bán tại gian hàng đều bán hết.

          Đáng chú ý, ngoài lượng khách trong nước ngày hội na năm nay cũng thu hút được khá nhiều du khách đến từ hị Bằng Tường, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Bà Tăng Anh Mai, đến từ Thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết: Năm nay là năm thứ ba tôi đến tham dự ngày hội na Chi Lăng. Ở Trung Quốc, tỉnh Hà Nam cũng trồng na nhưng hiện chưa có quả, vì vậy, cứ vào ngày này tôi lại sang tham dự và tìm kiếm cơ hội làm ăn từ ngày hội na của huyện Chi Lăng.

“Na nữ hoàng” nặng từ 600g – 1kg/quả

          Được biết, mục tiêu của bà Mai là sau khi kết thúc ngày hội na bà sẽ tìm kiếm được các bạn hàng và thu mua từ 150 thùng đến 200 thùng na để đưa về Quảng Tây (Trung Quốc) tiêu thụ.

          Hoạt động mua bán giới thiệu, quảng bá sản phẩm quả na và nông sản đặc trưng của huyện không chỉ diễn ra sôi động tại trung tâm giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng mà còn sôi động ở những địa bàn khác trong huyện.

          Tại khu vực các xã dọc tuyến quốc lộ 1A như: Chi Lăng, Quang Lang, Mai Sao và thị trấn Đồng Mỏ…, lượng khách thu mua  na khá đông đảo, với năng lực tiêu thụ khoảng 150 tấn một ngày. Trong đó, tư thương thu mua đóng gói phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 120 tấn, khoảng 30 tấn phục vụ tiêu thụ nội địa.

          Khác với các điểm ở các khu vực nêu trên, “con đường Na” trên đường tỉnh 234 (quốc lộ 1A cũ) chạy qua các xã Mai Sao, thị trấn Đồng Mỏ, Quang Lang và Chi Lăng hoạt động mua bán na nhộn nhịp cả ngày. Tuyến đường này sát với các vườn na, lũng na khu vực núi đá, do vậy là địa điểm lý tưởng cho các tư thương dừng chân thu gom na từ các vườn na trong khu vực rồi tập kết ra chợ nông sản thị trấn Chi Lăng hoặc đóng gói tại chỗ để tiêu thụ nội địa. Thống kê sơ bộ, trên tuyến này có khoảng 15 điểm mua bán na của tư thương với năng lực thu gom khoảng 100 tấn/ngày, các điểm thu gom tập trung chủ yếu ở 2 xã Quang Lang và Chi Lăng.

          Quảng bá sản phẩm và tôn vinh người trồng na!

          Trong không khí rộn ràng của Ngày hội Na Chi Lăng năm 2019, ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, ngày hội là dịp để tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân, đồng thời tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của huyện nói chung và sản phẩm na Chi Lăng nói riêng.

          Theo Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, những hoạt động trong ngày hội sẽ góp phần quảng bá quảng bá, thu hút du khách cho phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Đồng thời thúc đẩy người dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực của huyện Chi Lăng nói riêng và của tỉnh theo hướng bền vững. Đây còn là dịp giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi của các huyện và của tỉnh.

Người trồng na vui vì được mùa, được giá

          Trên thực tế, Ngày hội Na Chi Lăng năm 2019 diễn ra gắn với chuỗi các sự kiện “khép kín”, nhằm quảng bá nâng tầm thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ thương hiệu quả na Chi Lăng. Trong ngày này, du khách sẽ được tham gia vào chương trình như lễ khai mạc, hội thi nhà nông đua tài…, nhất là được tham quan thực tế tại các vườn na để chụp ảnh và có thể thưởng thức hay mua sản phẩm ngay tại vườn.

          Những hoạt động tại ngày hội hôm nay sẽ tiếp thêm sức mạnh thương hiệu cho na Chi Lăng để đến ngày 16/8 tới đây, huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục mang sản phẩm na xuống thủ đô Hà Nội quảng bá, tìm gọi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản sạch để đẩy mạnh khâu tiêu thụ cho sản phẩm đặc sản của huyện.

          Như vậy, hoạt động của “Ngày hội Na Chi Lăng” đã không còn diễn ra ở quy mô cấp tỉnh, mà huyện Chi Lăng đang từng bước nâng tầm của thương hiệu na Chi Lăng. Từng bước đưa quả na và các sản phẩm nông sản của địa phương lan tỏa ra các vùng miền trong và ngoài nước.

Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Chi Lăng, tính đến chiều ngày 11/8, gần 30 tấn na được được tiêu thụ. Đồng thời đã có hơn 5 nghìn du khách từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và cả khách nước ngoài đến với Ngày hội Na Chi Lăng năm 2019

Nguồn: baolangson.vn