Skip to main content
Ban biên tập | 6 July 2019

          Ngày 24/4/1889 Chính phủ Pháp quyết định xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở Bắc Kỳ, tuyến Phủ Lạng Thương – Lạng Sơn dài 98km, khổ đường 0,6 m. Ngày 01/01/1908 đoạn đường sắt Đồng Đăng  đến Mục Nam Quan dài 4km được đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài tuyến Hà Nội – Nam Quan dài hơn 167km. Việc xây dựng đường sắt đến Lạng Sơn dùng vào mục tiêu chiến lược, tuyến đường phải tới được pháo đài Lạng Sơn, đến sát Nam quan, nơi có quân Pháp đồn trú.

Ga Đồng Đăng được hình thành như là một điểm đỗ cuối của tuyến đường Hà Nội – Mục Nam Quan vào ngày 8/4/1902. Ngày 1/1/1908 khi đưa thêm đoạn đường sắt Đồng Đăng – Nam Quan vào khai thác thì Ga Đồng Đăng trở thành một nhà ga có tác nghiệp cả hai đầu.

Ga Đồng Đăng đầu thế kỷ XX ( ảnh ST)

          Như vậy, năm 1908 ga Đồng Đăng đã trở thành một công trình đường sắt được xây dựng để phương tiện giao thông vận tải dừng, tránh, vượt, dỡ hàng hoá, đón trả khách, thực hiện tác nghiệp và các dịch vụ khác. Tuy là một trong những ga “sinh sau đẻ muộn” trên tuyến đường sắt Hà Nội – Nam Quan, nhưng nó có vị trí quan trọng: nó đại diện cho một “thiết bị kinh tế hiện đại” mà thực dân và tư bản Pháp vừa mang tới Việt Nam, lần đầu tiên hiện diện trên mảnh đất Đồng Đăng – vùng biên ải còn nhiều nét hoang sơ; nó bộc lộ rõ ý đồ “bình định” và khai thác thuộc địa dầy tham vọng của thực dân và tư bản Pháp đối với vùng đất có địa – chính trị quan trọng ở Việt Nam và Đông Dương. Nhưng xét theo quan điểm lịch sử và tiến hoá của nhân loại thì rõ ràng sự ra đời và hoạt động của đường sắt, với việc xuất hiện các điểm đỗ, các nhà ga, của các đoàn tàu trên  dọc các tuyến đường đã hình thành nên các tụ điểm dân cư mới, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh nơi đây trở nên náo nhiệt, phồn thịnh hơn trước. Cùng với giao lưu kinh tế, giao lưu văn hoá giữa các vùng có đường sắt đi qua cũng phát triển hơn. Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày 23/9/1925 chính quyền thực dân Pháp đã ra nghị định số 30431 thành lập thị xã Lạng Sơn, đô thị của tỉnh Lạng Sơn. Trước năm 1891, khi chưa có tuyến đường sắt đi qua thì Lạng Sơn vẫn là một tỉnh hầu như tách biệt với Bắc Kỳ. Sau khi tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn hoàn thành, “điều đầu tiên dễ nhận thấy là dân địa phương, các thương gia miền xuôi, Trung Quốc có tới mấy ngàn trong một phiên chợ, hàng hoá rất nhiều, như có một sự thay đổi kỳ lạ …” (theo địa chí Lạng Sơn, tr.322 và 323).

Ga Đồng Đăng, trạm xe lửa cuối cùng trước biên giới Việt – Hoa (ảnh ST)

          Để có được tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, rất nhiều người đã phải hi sinh. Đội ngũ công nhân viên đường sắt, trong đó có ga Đồng Đăng, luôn có ý thức phản kháng bọn ngoại xâm, tinh thần yêu nước luôn âm ỉ cháy trong lòng họ. Trong những năm 1925 – 1930, tại Lạng Sơn phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, Lạng Sơn trở thành một đầu mối giao thông liên lạc của những chiến sĩ và tổ chức yêu nước, cách mạng đang hoạt động trong và ngoài nước. “Các ga Kỳ Lừa, Tam Lung, Đồng Đăng, Na Sầm là những trạm bí mật đón tiếp và là những hộp thư liên lạc” của cán bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên qua lại, đi về hoạt động” (Địa chí Lạng Sơn, tr.241).

12-1906 – Ga Đồng Đăng, ga xe lửa cuối cùng trước biên giới Việt Hoa. (Ảnh: Edgard Imbert)

          Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh nhân dân ta đã làm cuộc cách mạng tháng 8/1945 thành công, đưa nhân dân ta từ thân phận những người mất nước, làm nô lệ, lên vị trí người làm chủ quê hương, đất nước, làm chủ cuộc sống của mình.

          Sau cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn thử thách hiểm nguy. Nhân danh đồng minh, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch qua biên giới theo đường sắt và đường bộ kéo vào miền Bắc nước ta nói là để “giải giáp quân Nhật” nhưng thực chất là để chống phá cách mạng Việt Nam. Nạn đói xảy ra, làm hàng triệu dân ta ở miền Bắc bị chết. Cách mạng đứng trước cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng Đảng và Nhà nước ta nêu cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”, “ vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Đối với ngành đường sắt được Chủ tịch Chính phủ chia thành 5 quận, quận V từ Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, trụ sở tại Hà Nội, các quận đặt dưới sự quản lý của Giám đốc Nha Hoả xa đặt tại Hà Nội. Sau khi được tập hợp, bộ máy được hình thành, đội ngũ công nhân viên của ngành Đường sắt Việt Nam đã bắt tay ngay vào phục vụ cuộc đấu tranh thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng. Hàng trăm đoàn tàu chở gạo từ Nam ra góp phần dập tắt nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc; các đoàn tàu ngày đêm đưa các chiến sĩ trong đoàn quân Nam tiến vào chống quân Pháp xâm lược ở miền Nam.

          Tháng 7/1946 2000 quân Pháp đã kéo vào Lạng Sơn thay thế quân Tưởng và bắt đầu phá phách. Trên tuyến đường sắt Hà Nội – Nam Quan, đêm 19/12/1946 bộ đội trung đoàn 44 và công nhân hoả xa đã phá sập cầu Phủ Lạng Thương dài 131m. Đến đầu năm 1947 ta tiếp tục phá huỷ triệt để mặt đường, nhà ga đoạn từ Yên Viên lên Bản Thí. Tuyến đường này hoàn toàn tê liệt, các nhà ga bỏ trống cho đến ngày cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược hoàn toàn chiến thắng, miền Bắc được giải phóng.

Ga Đồng Đăng ( Lạng Sơn ) – năm 1911 (Ảnh ST)

          Từ tháng 7/1954 hoà bình được lập lại trên miền Bắc. Miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục hoà bình và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm chỗ dựa vững chắc cho đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

          Ngày 28/2/1955 chuyến tàu đầu tiên thông đường đã chạy từ ga Yên Viên lên ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Đầu máy đoàn tàu mang quốc kỳ 2 nước Việt – Trung cùng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, được nhân dân hai nước nồng nhiệt đón chào. Ngày 28/2/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi thăm hỏi động viên cán bộ, công nhân làm đường sắt Hà Nội – Nam Quan, trong đó Bác viết: “Đường xe lửa ấy giúp cho việc khôi phục kinh té của ta được dễ dàng,….đường xe lửa ấy đem lại lợi ích cho nhân dân và đồng bào công thương rất nhiều” (Báo Nhân dân ngày 28/2/1955- Lưu trữ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).

          Ngày 19/7/1955, Hội nghị liên vận 10 nước xã hội chủ nghĩa (OSZD) họp ở Bec lin – Đức thống nhất kết nạp Đường sắt Việt Nam là thành viên. Ngày 1/8/1955 đường liên vận quốc tế Hà Nội – Bắc Kinh – Mát cơ va – Beclin chính thức khai thông trung tuần tháng 8/1955 chuyến tàu liên vận quốc tế Bắc Kinh – Hà Nội đưa những hành khách đầu tiên về đến ga Hà Nội.

          Như vậy, ngày 19/7/1955 ngày ngành Đường sắt Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức đường sắt các nước xã hội chủ nghĩa (OSZD), đó cũng là ngày Ga Đồng Đăng chính thức trở thành ga Liên vận quốc tế, nơi đầu tiên thay mặt ngành Đường sắt Việt Nam tiếp đón và nơi cuối tiễn đưa các đoàn tàu chở hành khách, hàng hoá quốc tế vào Việt Nam cũng như của Việt Nam ra quốc tế.

Sau khi phá hoại hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 một cách trắng trợn, đế  quốc Mỹ và tay sai đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam và chúng liên tiếp thất bại. Để cứu vãn tình hình, từ ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ quyết định mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhằm chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, trong đó chúng tập trung đánh phá giao thông vận tải. Chúng đánh phá các khu ga gây nhiều thiệt hại.

          Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ga Đồng Đăng là ga địa đầu nằm trên tuyến đường chiến lược, được bảo vệ tốt, nên ta tổ chức vận tải liên tục ngày đêm. “Ngày ấy các đồng chí lãnh đạo của ngành đã nói đường sắt như mạch máu chính của cơ thể con người thì ga Đồng Đăng được ví như một phần của mạch máu ấy. Bởi ga quan trọng nhất của năm tuyến đường. Là địa điểm trung chuyển hàng hoá quan trọng, là nơi tiếp nhận vũ khí, khí tài đạn dược, lương thực thực phẩm của các nước cho Việt Nam, từ đây quân và dân ta vận chuyển hàng hoá vào chi viện cho miền Nam đánh Mỹ”.

          Tháng 5/1972 Mỹ phong toả cảng Hải Phòng và toàn bộ vùng cửa sông ven biển miền Bắc nước ta. Đảng và Chính phủ chủ trương “lật cánh vận tải” biến các ga đường sắt trên tuyến Hà Nội – Hữu Nghị thành cảng nổi tiếp nhận toàn bộ hàng viện trợ và hàng nhập thay cho cảng Hải Phòng “Tuyến đường sắt Hà Hữu trở thành tuyến chiến lược số một, có tầm quan trọng đặc biệt đối với vận mệnh đất nước”.

          Tổng kết năm 1972, các lực lượng vận tải đã nhập được 1.375.000 tấn hàng, đa số đi qua các cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn rồi tới các chiến trường. Đó là thắng lợi chung cực kỳ quan trọng, có sự đóng góp xứng đáng của tỉnh Lạng Sơn, của ngành đường sắt Việt Nam, của cán bộ công nhân viên ga Đồng Đăng, điểm tiếp nhận hàng hoá lớn nhất miền Bắc trong năm 1972. Thắng lợi đó đã góp phần quyết định phá vỡ âm mưu cực kỳ thâm độc của giặc Mỹ muốn bao vây cắt đứt hoàn toàn nguồn viện trợ, đẩy các chiến trường của ta vào thế bị suy kiệt.

          Trước những thất bại nặng nề trên chiến trường và sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân toàn thế giới, ngày 15/1/1973 Hoa Kỳ chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc. Miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục cơ sở vật chất bị tàn phá, tiếp tục chi viện sức người sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam vào 30/4/1975.

          Trải qua những thăng trầm của giai đoạn sau 1979, đến năm 1992 từ trong đổ nát, Ga Đồng Đăng đã hồi sinh. Ngày 14/02/1996, trong niềm hân hoan phấn khởi, cán bộ công nhân viên ga Đồng Đăng được chứng kiến lễ cắt băng khánh thành khôi phục thông xe đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc. Từ đây bắt đầu thời kỳ hoà nhập đầy đủ và trọn vẹn của ga Đồng Đăng trong công cuộc đổi mới của ngành Đường sắt trong sự nghiệp đổi mới Đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Bên cạnh thế mạnh là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt nam mà cả các nước ASEAN, Trung Quốc. Hệ thống giao thông đường sắt rất thuận tiện nối liền với các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam. Ga Đồng Đăng đã và đang trở thành một thị trường trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước và các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng (Ảnh ST)

          Ngày 26/02/2019, sau hành trình 4.500 km từ Triều Tiên qua Trung Quốc, đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch nước Triều Tiên Ông Kim Jong Un dừng lại ở Ga Đồng Đăng, ngày 2/3/2019, sau khi vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Chủ tịch Kim Jong-un rời Việt Nam về nước bằng tàu hỏa, xuất phát từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Là nhà Ga được hân hạnh tiếp đón, tiễn Chủ tịch nước Triều Tiên Ông Kim Jong Un lần đầu đến Việt Nam trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ 2 và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Nguồn: dulichlangson.com.vn