Skip to main content
Ban biên tập | 13 March 2019

         Tuy còn rất mới mẻ song những năm qua, nghề công tác xã hội (CTXH) đã dần phát triển và góp phần không nhỏ vào việc ổn định và phát triển xã hội.

         Những việc thường ngày

         Ngoài công việc chuyên môn như: khám, chỉ định cấp phát thuốc methadone cho các bệnh nhân, các bác sĩ và nhân viên y tế của cơ sở methadone thuộc Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn đảm nhiệm một công việc quan trọng là tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân tháo gỡ những vướng mắc về tư tưởng, kiên trì uống thuốc đủ liều, tin tưởng và yên tâm điều trị. Chính việc tìm hiểu kỹ hoàn cảnh từng người, kết nối bệnh nhân với gia đình, người thân, cơ sở làm việc của họ để tư vấn sâu từ việc ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện thân thể đến việc giữ gìn sức khỏe… đã khiến việc điều trị bằng methadone mang lại nhiều kết quả. Không chỉ ở trung tâm, mạng lưới cộng tác viên CTXH còn được hình thành ở các cơ sở điều trị methadone khu vực, các câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở. Họ chính là các cộng tác viên đồng đẳng làm những việc như: cấp phát bơm kim tiêm, vận động người nghiện ma túy không dùng chung bơm kim tiêm, đi xét nghiệm HIV. Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những thành tích trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Lạng Sơn, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ trong những việc làm thường ngày của đội ngũ CTV xã hội.

http://baolangson.vn/uploads/2019/03/13/2-6.jpg

Nhân viên y tế – cộng tác viên công tác xã hội Trung tâm Y tế Lộc Bình

quyên góp quần áo hỗ trợ bệnh nhân vùng cao

         Nhận thấy tầm quan trọng của ngành CTXH trong bệnh viện với việc giúp đỡ bệnh nhân và kết nối, huy động sự trợ giúp của xã hội đối với bệnh nhân nghèo, tháng 11/2005, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Tổ CTXH và đến tháng 6/2017 đã thành lập Phòng CTXH. Bằng tinh thần trách nhiệm, sự yêu thương và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của bệnh nhân nghèo, cán bộ, nhân viên của Phòng CTXH đã hoạt động rất hiệu quả. Họ chính là cầu nối giữa chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) với người dân; giúp bệnh nhân được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ y tế. Mặt khác, trực tiếp giúp bệnh nhân và người nhà của họ vượt qua khó khăn bằng những đồng tiền hỗ trợ, những bát cháo tình thương và những gói quà tình nghĩa mỗi khi tết đến xuân về.

         Từng bước đáp ứng thực tiễn xã hội

         Ở Việt Nam, nghề CTXH được hình thành từ năm 2004. Trong 15 năm qua, nghề này đang phát triển cùng với sự tiến bộ của xã hội. Song trên thực tế nhiều người vẫn chưa hiểu, khi Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 được ban hành, nghề CTXH mới phát triển như các ngành nghề khác và thể hiện rõ nét trong xã hội. Ở tỉnh ta, sau Quyết định 411/QĐ-UBND, ngày 22/3/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án nghề CTXH giai đoạn 2011 – 2015 và Kế hoạch 134/KH-UBND, ngày 28/11/2016 thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2016 – 2020, nghề CTXH đã từng bước  phát triển và hoạt động có hiệu quả. Từ năm 2012 đến nay, song song với việc đưa Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH vào hoạt động có nền nếp, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh đã bồi dưỡng cho hàng trăm cán bộ chuyên trách và hàng ngàn cộng tác viên hoạt động ở các ngành lao động – xã hội, y tế, giáo dục, các trung tâm bảo trợ xã hội, các đoàn thể và các cơ quan từ tỉnh đến huyện và xã.

         Gần 10 năm qua, đội ngũ cán bộ CTXH và các cộng tác viên đã thực hiện các chương trình an sinh xã hội như: trợ giúp trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật, người cao tuổi không có khả năng nuôi sống bản thân, phụ nữ, trẻ em bị xâm hại. Đặc biệt, đã hỗ trợ về tâm lý và huy động cộng đồng giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng cho các phụ nữ bị buôn bán sang bên kia biên giới được các cơ quan chức năng giải cứu.

         Vì mang đậm tính nhân văn, nên từ chỗ còn mới mẻ, nghề CTXH đã  từng bước được xã hội tôn vinh và đang là sự lựa chọn của nhiều người. Nếu kỳ tuyển sinh năm 2012 vẫn chưa có học sinh nào đăng ký học nghề này, thì những năm gần đây đã có nhiều học sinh lớp 12 tại các trường như: Trường THPT Việt Bắc, THPT Dân tộc nội trú, Lộc Bình, Hữu Lũng… đăng ký xét tuyển vào ngành CTXH tại các trường đại học, cao đẳng khu vực và cả nước. Trong vài năm tới, khi đội ngũ  cán bộ vững vàng hơn, “thạo nghề” hơn và có thêm nhiều sinh viên mới ra trường, nghề CTXH sẽ phát triển nhanh và đồng hành cùng công tác an sinh xã hội.

Nguồn: baolangson.vn