Skip to main content
Ban biên tập | 25 January 2019

         Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2018 – 2023 của Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ góp phần quan trọng trong phối hợp đào tạo, hướng dẫn, truyền nghề cho nhiều lao động nông thôn.

Hội Nông dân Việt Nam và Bộ LĐTB&XH thảo luận về công tác phối hợp

thúc đẩy an sinh xã hội ở nông thôn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

         Chiều 24/1, tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giai đoạn 2019 – 2023.

         Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao hoạt động phối hợp tổ chức dạy nghề, tạo việc làm của Hội Nông dân thời gian qua. Bộ trưởng cho rằng lễ ký kết này có ý nghĩa quan trọng, là dịp để nhìn lại kết quả của quá trình phối hợp thời gian qua và trách nhiệm của hai cơ quan. Bộ trưởng hy vọng Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2018 – 2023 sẽ góp phần quan trọng trong phối hợp đào tạo, hướng dẫn, truyền nghề cho nhiều lao động nông thôn. Để chương trình phối hợp có hiệu quả, hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

         Nhiều kết quả tích cực đã đạt được trong việc an sinh xã hội tại nông thôn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2011-2017, đặc biệt là việc xây dựng các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho nông dân, như tham gia ý kiến, đóng góp vào các dự thảo: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Trẻ em; Luật An toàn vệ sinh lao động...

         Cũng thông qua chương trình, công tác vận động, tuyên tuyền nông dân thực hiện chính sách pháp luật về an sinh xã hội được chú trọng quan tâm. Việc tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn được tăng cường, tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt khoảng 90%. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn giúp nhiều hộ nghèo thành hộ khá, nhiều hộ khá trở thành hộ giàu, đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

         Công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi được được triển khai tích cực, nhiều mô hình điểm được nhân rộng. Hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

         Với những kết quả đạt được giai đoạn 2011-2017, hai bên tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2019 – 2023 với nhiểu nội dung thiết thực.

         Cụ thể như hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 100 cán bộ hội, hội viên nông dân trẻ, tiêu biểu để đưa đi tu nghiệp sinh, thực tập sinh, đi làm việc tại Nhật Bản. Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trình UBND tỉnh, thành phố phân bổ chỉ tiêu và kinh phí đào tạo sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho các trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

         Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức xây dựng tài liệu đào tạo nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo nghề ở nông thôn. Hỗ trợ xây dựng mô hình giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc, biên giới, miền núi, vùng căn cứ cách mạng, vùng khó khăn. Phát động phong trào sâu rộng trong nông dân tham gia bảo vệ trẻ em trước nguy cơ về bạo lực, xâm hại, tệ nạn xã hội…

Nguồn: chinhphu.vn