Skip to main content
Ban biên tập | 23 January 2019

          Hiện nay, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm các hiệp định song phương và các hiệp định trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) được khởi xướng tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11/2012 gồm các nước ASEAN và 6 đối tác đối thoại khu vực: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

          Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP, chính thức được khởi động đàm phán tại Phnôm Pênh, Campuchia bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 21, dựa trên nguyên tắc cơ bản là mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa cam kết của khối 10 nước ASEAN với các đối tác thương mại tự do khu vực đã có tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

          Mục tiêu của RCEP là tích hợp các FTA khác nhau mà 10 nước ASEAN đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc (FTA ASEAN + 1) thành một Hiệp định toàn diện để tối đa hóa các lợi ích kinh tế. Với sự tham gia của 16 nước Đông Á, RCEP sẽ tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bên cạnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gồm hơn 3 tỷ người (47% tổng dân số thế giới), chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 40% tổng kim ngạch thương mại của thế giới. Sự tham gia của ASEAN và nhiều nước lớn trong khu vực đã tạo ra quy mô thị trường to lớn cũng như tính chiến lược của RCEP trong cấu trúc thương mại toàn cầu. RCEP là một FTA do ASEAN lãnh đạo, liên kết các nền kinh tế của 16 quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế quốc tế, RCEP làm giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào thị trường Phương Tây.

          Hiệp định này góp phần khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, tích cực tạo dựng và thúc đẩy một cấu trúc khu vực vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Châu Á và hội nhập kinh tế khu vực mạnh mẽ. Các nhà lãnh đạo các nước tham gia RCEP đã nêu rõ, RCEP sẽ là một Hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, bao gồm các lĩnh vực: Thương mại hàng hóa; Dịch vụ; Đầu tư; Hợp tác kinh tế và kỹ thuật; Sở hữu trí tuệ; Cạnh tranh; Giải quyết tranh chấp và các vấn đề khác. Bên cạnh đó các quốc gia trong khối RCEP sẽ cam kết tự do hóa gần hết 100% thương mại, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do.

          Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP giúp các doanh nghiệp trong khối thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực nhờ giảm mức thuế nhập khẩu và cộng gộp chi phí xuất xứ nguyên liệu nhập khẩu; thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực; giúp hài hòa các cam kết, quy định trong FTA ASEAN+1 hiện nay, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại; giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các quốc gia theo hướng tích cực. Do vậy, để tận dụng tốt nhất cơ hội từ RCEP, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong khối RCEP cần có những động thái tích cực hơn trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Ngoài ra, cũng cần có những định hướng tuyên truyền rõ ràng giúp cho các doanh nghiệp vượt qua thách thức và có định hướng đầu tư phù hợp.

          RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua: Cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác (cả nước phát triển và đang phát triển) với nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đa dạng; Mở cửa để nhập hàng hóa rẻ hơn (nhất là đầu vào cho sản xuất, máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại và phù hợp); Tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực và toàn cầu; giảm chi phí giao dịch và tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng các quy định đó trong khuôn khổ các FTA khác nhau của ASEAN; Việt Nam sẽ có những điều kiện thuận lợi để không những mở rộng thị trường, xóa bỏ các rào cản thương mại và dỡ bỏ hàng rào thuế quan một cách cơ bản để tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường và có những điều kiện thuận lợi rất lớn để thu hút những nguồn đầu tư từ những quốc gia đối tác, những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

          Như vậy Việt Nam cần tiếp tục làm đơn giản hóa các thủ tục, đặc biệt là thuận lợi hóa thương mại, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, di chuyển của tư nhân, tạo thị trường liên kết hoàn hảo về thu hút nguồn lao động và nguồn nhân lực, góp phần tạo điều kiện để trao đổi nguồn nhân lực có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế, cũng như vào trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp, nhất là của các doanh nghiệp tư nhân./.

Nguồn: songv.langson.gov.vn