Skip to main content
Ban biên tập | 23 January 2019

          Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại do cơ quan đại diện và các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước tổ chức tại trong và ngoài nước được triển khai ngày càng nhiều và phong phú về hình thức. Những hoạt động mang tính phổ biến và đem lại hiệu quả cao trong việc quảng bá hình ảnh đổi mới của đất nước, địa phương được tổ chức dưới hình thức các sự kiện xúc tiến kinh tế đối ngoại gồm: hội thảo, diễn đàn, hội chợ, triển lãm, Những ngày Việt Nam ở nước ngoài...

          Mục đích của hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại là tăng cường nhận thức của người nước ngoài, công chúng sở tại về đất nước, con người, văn hóa, kinh tế Việt Nam nói chung, của địa phương nói riêng, qua đó thực hiện mục tiêu xúc tiến đàu tư, thương mại, du lịch và tăng cường hợp tác kinh tế; tìm kiếm và thâm nhập thị trường xuất khẩu cho những sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; tìm kiếm đối tác nước ngoài đầu tư liên doanh vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương ở Việt Nam; tìm cách đưa đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong những ngành nghề, địa bàn phù hợp.

          Để đảm bảo hiệu quả, các sự kiện xúc tiến kinh tế đối ngoại cần được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, tận dụng và phối hợp được các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực,...) của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan trong nước cũng như sở tại, đồng thời cần nhằm đúng đối tượng và đúng thời điểm (tránh trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động xúc tiến khác của Việt Nam hay của nước khác diễn ra cùng thời gian hay địa điểm ở nước sở tại).

          Các hình thức quảng bá gồm:

          Quảng bá thường xuyên: Thông qua tiếp xúc với chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và khách du lịch, cán bộ có thể quảng bá và giới thiệu về đất nước, con người, về môi trường đầu tư, các quy định, chính sách xuất nhập khẩu, kêu gọi hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục, lao động... hoặchông qua các sự kiện như Hội nghị, hội thảo, họp báo, triển lãm... có mời ta phát biểu hoặc tham dự.

          Tổ chức sự kiện quảng bá như  Hội thảo, hội nghị, diễn đàn xúc tiến kinh tế đối ngoại; Hội chợ, triển lãm xúc tiến kinh tế đối ngoại; Những ngày Việt Nam ở nước ngoài; Phát hành tờ rơi, phụ trương trên báo chí hoặc tài liệu quảng bá về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch.... Nội dung, chủ đề của các sự kiện xúc tiến cũng khác nhau tùy theo mục tiêu của từng sự kiện.

          Hội thảo, diễn đàn xúc tiến kinh tế đối ngoại  thường tập trung vào một số chủ đề như:Thành tựu, tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế; Thuận lợi, khó khăn, tập quán kinh doanh; Giới thiệu môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước sở tại vào các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc vào một khu vực địa lý cụ thể tại Việt Nam, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều ưu đãi (đây là một trong những chủ đề được các đối tác nước ngoài quan tâm nhất); các cơ hội hợp tác kinh tế như thương mại, giáo dục, xuất khẩu lao động, hợp tác khoa học công nghệ...

          Hội chợ, triển lãm xúc tiến kinh tế đối ngoại thường tập trung Giới thiệu thành tựu đổi mới và phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam, địa phương của Việt Nam và kết quả quan hệ hợp tác trên các lĩnh vự kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch... giữa hai bên; giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa (đặc biệt nhằm xúc tiến du lịch); giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu của địa phương Việt Nam; giới thiệu về tiềm năng phát triển và hợp tác ...

          Quảng bá thường xuyên và xuất bản ấn phẩm, tài liệu quảng bá có thể tập trung vào một trong các nội dung nêu trên. Việc lựa chọn tùy theo sự quan tâm của hai bên đối với các nội dung quảng bá.

          Để các hoạt động quảng bá, xúc tiến kinh tế đối ngoại được tổ chức thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, cần lưu ý:

          - Cần lập kế hoạch tổ chức hoặc hỗ trợ tổ chức sự kiện xúc tiến sớm để có đủ thời gian cần thiết hoàn thành các khâu chuẩn bị.

          - Nên duy trì danh mục các đầu mối liên hệ phục vụ cho việc tổ chức các sự kiện xúc tiến và giữ thông tin hai chiều. Trước hết, đó là những cơ quan hữu quan ở sở tại (đặc biệt là những cá nhân có trách nhiệm); cơ quan đại diện của ta tại nước sở tại, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh với ta. Một số cơ quan đầu mối trong nước cần thiết lập quan hệ phối hợp, hợp tác thường xuyên để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này là các Cục, Vụ liên quan của Bộ Ngoại giao; Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư), Cục Xúc tiến thương mại ( Bộ Công Thương), Tổng cục Du lịch, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam.

          - Để sự kiện xúc tiến đạt hiệu quả cao nhất, trước khi lựa chọn chủ đề và nội dung cho sự kiện, cần tìm hiểu, thăm dò và đánh giá được nhu cầu, sự quan tâm của các đối tác nước ngoài. Nội dung của sự kiện cần đi vào những vấn đề đáp ứng mong đợi của họ, tránh dàn trải, lan man, chung chung, không có trọng tâm ưu tiên.

          - Để khắc phục những hạn chế về kinh phí, cần chủ động, tích cực vận động các cơ quan, doanh nghiệp sở tại có lợi ích đối với việc tổ chức sự kiện đồng bảo trợ và tài trợ cho các hoạt động này (doanh nghiệp sở tại có đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ đầu tư – thương mại lớn với sở tại, các công ty du lịch, hãng hàng không, khách sạn....).

Nguồn: songv.langson.gov.vn