Skip to main content
Ban biên tập | 25 April 2019

          Nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, Lạng Sơn là vùng đất tập trung các dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông… với nhiều nét văn hóa độc đáo. Đặc điểm này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của du lịch Xứ Lạng trong những năm qua.


Người dân huyện Lộc Bình trong trang phục truyền thống

trình diễn những món ăn đặc sản quê hương

          Phong phú bản sắc văn hóa dân tộc

          Đến tham quan làng du lịch cộng đồng Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) và tự tay làm món bánh bí truyền thống của người dân nơi đây, chị Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội) thích thú kể: Ở nhà tôi cũng hay làm các loại bánh cho gia đình. Đến đây được trải nghiệm làm bánh cùng với người dân, từ chọn gạo nếp, bí đỏ rồi cách gói, hấp bánh… tôi thấy rất thích. Lần sau nhất định tôi sẽ đưa bạn bè, người thân đến đây để có những trải nghiệm thú vị.

          Ngoài làm bánh bí, những mô hình trải nghiệm gặt lúa, bắt cá, chèo thuyền thúng, nấu rượu… theo phương pháp thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Lạng Sơn.

          Thực tế trên cho thấy, văn hoá các dân tộc là một nội dung đặc sắc tạo nên sự hấp dẫn và riêng có của các loại hình du lịch văn hoá Xứ Lạng. Điểm lại các hoạt động văn hoá, du lịch trong một năm của Lạng Sơn, dễ dàng nhận thấy yếu tố bản sắc văn hoá dân tộc là đóng vai trò nòng cốt và xuyên suốt.

          Trước tiên có thể kể đến những lễ hội mùa xuân. Lạng Sơn có gần 300 lễ hội, trong đó phần lớn được tổ chức vào mùa xuân và hơn 90% là lễ hội lồng tồng – cầu cho mưa thuận gió hoà, nhân khang, vật thịnh… Mỗi lễ hội ở mỗi địa phương khác nhau lại mang phong vị và sắc thái đặc trưng khác nhau.

          Đến với lễ hội, ngoài phần nghi lễ, du khách được thưởng thức hàng loạt các trò chơi, trò diễn mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Xứ Lạng như: trò Sĩ – Nông – Công – Thương, đồng diễn múa sư tử mèo, kéo co… Nghe những làn điệu dân ca đằm thắm, mượt mà tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu đôi lứa như hát sli – lượn, hát xắng cọ…

          Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Từ lâu, người Xứ Lạng đã say mê dân ca. Họ hát trong ngày vui, ngày tết và cả những dịp tụ họp sinh hoạt văn hoá tinh thần. Vì thế, việc biến dân ca dân tộc thành sản phẩm du lịch đã và đang được triển khai ở các di tích và lễ hội trên địa bàn, thu hút sự tham gia đông đảo du khách và bà con nhân dân.

          Và lễ hội xuân cũng là dịp để đồng bào các dân tộc Xứ Lạng diện những bộ trang phục truyền thống được dày công chuẩn bị từ khâu dệt vải, nhuộm vải cho đến những chi tiết, phụ kiện đi kèm. Các món ẩm thực như: thịt lợn quay lá mác mật ăn kèm với măng ớt; lá sau sau non chấm nước thịt sốt mẻ hay rau ngồng luộc chấm xì dầu… cũng tạo nên những ấn tượng khó quên với du khách khi có dịp đến thăm Xứ Lạng.

Những món ăn độc đáo của Xứ Lạng thu hút sự quan tâm

của đông đảo du khách tại Liên hoan ẩm thực năm 2019

          Bảo tồn bản sắc gắn với phát triển du lịch

          Nhận thức rõ những lợi ích, tiềm năng to lớn của văn hoá dân tộc Xứ Lạng trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều động thái tích cực để khơi dậy và phát huy vốn văn hoá đặc sắc trên như tích cực triển khai nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Lạng Sơn. Tiêu biểu như: nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xắng cọ của dân tộc Sán Chỉ ở Nhượng Bạn (huyện Lộc Bình); tổ chức Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Liên hoan du lịch Mẫu Sơn…

          Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, ngành VHTTDL đã lập 3.273 phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có những nét văn hóa của các dân tộc) tại 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã thu thập và lưu giữ hơn 3.000 ảnh tư liệu về tập quán xã hội, lễ hội văn hóa ẩm thực của các dân tộc, sưu tầm hơn 200 bài dân ca…

          Qua đó, nhiều nét văn hóa bị mai một đã được phục dựng, trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, sản phẩm du lịch đặc sắc như: lễ hội đền Kỳ Cùng-Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn); lễ hội Bủng Kham, xã Đại Đồng (huyện Tràng Định); lễ hội Trò Ngô làng Giàng, xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); lễ hội Phài Lừa, xã Hồng Phong (huyện Bình Gia); nghi lễ then và múa sư tử mèo của người Tày, Nùng.

          Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, để văn hoá các dân tộc Xứ Lạng phát huy được tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển du lịch, ngành VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa để bảo tồn, phát huy. Đồng thời tăng cường tuyên truyền khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc trong đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hoá, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

          Với sự quan tâm của tỉnh và nỗ lực của ngành chức năng, tin tưởng rằng, những nét văn hoá đặc sắc, mang phong cách, phong vị của mỗi làng quê Xứ Lạng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, đem đến cho du khách mỗi lần đến tham quan là một lần trải nghiệm thú vị mới.

Nguồn: baolangson.vn