Skip to main content
Ban biên tập | 24 April 2019

          Cùng với ẩm thực và ngôn ngữ thì trang phục áo chàm của người Tày, Nùng chính là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.


Người dân hát giao lưu tại lễ hội Háng Pỉnh (Bánh Nướng)

tại tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn

          Màu chàm là màu đặc trưng trong trang phục của người Tày, Nùng, 2 dân tộc chiếm đa số ở Lạng Sơn với tỷ lệ 79%. Vì vậy, đến với Xứ Lạng vào dịp đầu xuân, không khó để du khách có thể bắt gặp hình ảnh người Tày, Nùng trong trang phục áo chàm truyền thống đi trảy hội. Tuy cùng mang sắc chàm đặc trưng, song đối với mỗi dân tộc, màu chàm lại được thể hiện qua những bộ trang phục theo kiểu dáng và sắc thái khác nhau.

          Với người Tày, bộ trang phục cổ truyền của họ đa phần không thêu trang trí, áo chàm của phụ nữ Tày thuộc loại áo dài xẻ tà, vạt áo trùm qua gối, tay và thân áo bó vừa khít người, áo được cài khuy đồng ở nách bên phải. Quần vải chàm ống rộng vừa tầm người, có thắt dải rút khi mặc. Còn đối người Nùng, hiện ở Lạng Sơn có 3 nhóm gồm: Nùng Cháo, Nùng Ing, Nùng Phàn Sình; mỗi nhóm Nùng đều có sự trang trí trên trang phục khác nhau, ví như người Nùng Phàn Sình thường có những đường chỉ nổi và thêu sặc sỡ phần cổ và phần vạt áo, nhưng đối với người Nùng Cháo trang phục lại được thêu với phần chỉ chìm kín đáo. Đa phần trang phục của người Nùng thiên về tạo dáng với phần thân áo ngắn được xẻ tà và quần may rộng rãi.

          Mặc dù mang nét đặc trưng như vậy, nhưng những bộ trang phục truyền thống của người Tày, Nùng không tránh khỏi việc bị biến đổi và mai một. Trước thực trạng đó, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như: nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu về trang phục truyền thống dân tộc; xúc tiến các chương trình phối hợp đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào các trường học, tiêu biểu như các trường học ở xã Hòa Cư, Hải Yến, (huyện Cao Lộc) đã thực hiện rất tốt việc duy trì mặc trang phục dân tộc Nùng cho các em học sinh.

          Song song với đó là việc bảo tồn các làng nghề truyền thống dệt vải, nhuộm chàm tại các xã: Hải Yến, Hòa Cư, Thạch Đạn (huyện Cao Lộc); Thiện Thuật, Quang Trung (huyện Bình Gia)… Bên cạnh đó, thông qua các cuộc giao lưu dân ca quy mô được tổ chức với vai trò hạt nhân của Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc mặc trang phục truyền thống khi biểu diễn.

          Đáng chú ý, tại các địa phương công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội duy trì việc mặc trang phục truyền thống cũng được đẩy mạnh như: hội Háng Pỉnh (hội Bánh Nướng), thành phố Lạng Sơn; lễ hội lồng tồng xã Hải Yến, huyện Cao Lộc; lễ hội hát Sli xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng; hội chợ tình Pác Khuông, huyện Bình Gia; hội Báo Slao (hội tình yêu), xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định… Đặc biệt, để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân và du khách trong dịp đầu năm mới vừa qua có thể kể đến lễ hội Đồng Mỏ mùng 10 tháng Giêng. Ông Phùng Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Lễ hội Đồng Mỏ mùng 10 tháng Giêng được chúng tôi tổ chức thành công ngoài mong đợi với nét độc đáo tạo nên từ chính sắc chàm trong trang phục truyền thống của bà con các dân tộc trong và ngoài thị trấn. Có thể thấy, việc phục dựng lễ hội truyền thống không những đánh thức tình yêu với trang phục dân tộc của người dân trong vùng mà còn tạo nên sức hút đối với du khách thập phương. Những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội với nhiều nét mới.

          Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm về tất cả các loại hình di sản văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục dân tộc; đồng thời chú trọng xây dựng môi trường, không gian văn hóa dân tộc thông qua các cuộc giao lưu dân ca, các lễ hội để tạo điều kiện cho việc thể hiện trang phục dân tộc. Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức để đồng bào các dân tộc hiểu và trân trọng giá trị truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy trang phục chung của dân tộc mình.

Nguồn: baolangson.vn